Sân thi đấu bóng chuyền tại Lễ hội Hoa Lư luôn sôi động và náo nhiệt. Bóng chuyền là môn thể thao hiện đại nhưng khi được tổ chức tại Lễ hội, môn thể thao này đã mang không khí của môn thể thao lễ hội. Những người yêu thích bóng chuyền thường đông đảo, đủ các lứa tuổi, tầng lớp. Có đông người dân trong tỉnh và cả du khách ngoại tỉnh đến sân để cổ vũ hết mình cho các cầu thủ thi đấu. Đến sân bóng chuyền, nhiều người sẽ tự cắt nghĩa được thế nào là vẻ sôi động của không khí thể thao lễ hội.
Nhưng sới vật mới là nơi khiến người xem lưu luyến nhất. Có một cảm giác khó tả, hơn cả việc thưởng thức thi đấu một môn thể thao. Mỗi năm một lần, sới vật Hoa Lư lại mở, vậy mà không ít du khách cũng luôn thấp thỏm chờ nghe tiếng trống hội vật. Hội vật năm nay có 33 đô vật tranh tài ở 8 hạng cân. Như lệ thường các lực sỹ tại các sới vật Bồ Vi, Yên Vệ, Bình Hải, Định Hóa, Ninh Mỹ lại đăng đài. Điểm hấp dẫn của hội vật năm nay là các đô vật không chỉ tranh tài lĩnh giải tại Lễ hội mà đây cũng chính là một nội dung thi đấu chính thức của Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI. Vì vậy, tính chất đua tranh quyết liệt tại sới vật vốn đã "nóng" lại càng thêm "nóng".
Ngay từ sáng sớm ngày 25/4, khi tiếng trống hội vật cất lên thì cũng là lúc bốn phía đài đấu chật ních người xem. Hình ảnh những đô vật mình trần, đóng khố, cơ bắp cuồn cuộn, cảnh se đài nghộ nghĩnh, những miếng vờn đòn, tuốt sườn những miếng bốc, quăng bò vừa nhanh, khéo léo, dũng mãnh khiến người xem không ngớt hò reo. Vật dân tộc là môn thể thao truyền thống, ở đó phô diễn hết vẻ đẹp của sức mạnh, sự nhanh nhẹn, khéo léo, đặc biệt là tinh thần thượng võ của người dân đất Cố đô.
Có thể nói, trong các môn thể thao lễ hội, môn vật là môn mang nhiều hồn cốt không khí lễ hội nhất. Đến sới vật, người dân không chỉ xem vật, chứng kiến sự tranh tài mà mỗi người tìm thấy ở môn thể thao này một sợi dây kết nối riêng với quá khứ. Người trẻ đi xem hội vật tìm sự khỏe khắn, tươi vui, náo nhiệt. Người già đến hội vật để tìm một chút hương xưa, để được đắm mình vào dĩ vãng vàng phai một thuở. Để khi sới vật đã tan nhưng trong lòng vẫn còn thổn thức cùng tiếng trống hội và lời hẹn mùa sau.
ở một góc khác của sân Lễ hội là sân thi đấu môn cờ tướng (cờ người). Tín đồ của môn thể thao trí tuệ này đông nhất là các bậc cao niên. Hình ảnh ấn tượng cứ ghim chặt vào lòng người viết khi đi xem hội là cảnh bàn cờ với những đồng nam, đồng nữ áo đỏ nẹp vàng cầm quân cờ di động theo giọng hô sang sảng của hai bô lão kỳ thủ. Vẻ trầm ngâm của các kỳ thủ trong trang phục áo the, khăn đóng, phơ phất chòm râu bạc khiến cho sức hấp dẫn của các cuộc cờ vượt ra ngoài trận thư hùng thường lệ. Cờ tướng là môn thể thao của những người yêu sự điềm tĩnh, cái bất ngờ, vẻ biến ảo của những nước đi. Mỗi một nước cờ hay, mỗi một ván đấu mà cục diện căng thẳng đến phút chót khiến cho người xem hồi hộp nín thở. Năm nào cũng vậy khi hội cờ mở thì sân cờ chưa bao giờ vắng người xem. Các giải thưởng về vật chất có khi không quan trọng nhưng danh hiệu kỳ vương, chức quán quân, điện quân bao giờ cũng có sức hấp dẫn đặc biệt với người mê cờ.
Cũng bởi vậy dù không có vẻ náo nhiệt như tại sới vật, hay hội thi chèo thuyền khéo, sới chọi gà... nhưng không thể phủ nhận cờ tướng là môn thể thao mang lại nhiều dư âm của lễ hội nhất.
Cờ tướng, vật dân tộc cùng với nhiều môn thể thao khác được tổ chức tại Lễ hội Hoa Lư góp phần mang lại một không khí đặc biệt cho lễ hội. Các môn thi đấu không chỉ là sự tranh tài, tạo không khí vui chơi cho người dân và du khách mà hơn thế đó chính là dịp để người dân có cơ hội chiêm nghiệm những nét văn hóa truyền thống, để hiểu thêm những giá trị văn hóa tốt đẹp được lưu giữ trong nền nếp sinh hoạt xưa cũ của cha ông. Với nhiều người, đi hội không chỉ để "xem", để "vui chơi" mà sâu xa hơn đó là một cuộc hành hương về cội nguồn văn hóa, tìm sợi dây kết nối với quá khứ, được đắm mình trong các sắc màu của văn hóa truyền thống.
Mai Phương