1 - Xuân Quê hương 2016 - Chương trình đón Năm mới thường niên dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc
Tối 31/1/2016, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (Hà Nội) đã diễn ra chương trình Xuân quê hương 2016 với chủ đề "Linh thiêng Hà Nội" dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Sự kiện do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức đã thu hút sự quan tâm của hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành phố cùng đông đảo kiều bào đại diện cho hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tham dự chương trình.
"Xuân quê hương" là hoạt động thường niên được tổ chức với ý nghĩa giúp kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới về nước đón Tết cổ truyền chung vui cùng dân tộc. Thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa, nhiều năm nay "Xuân quê hương" đã trở thành sự kiện lớn, thu hút sự tham dự đông đảo của kiều bào về quê hương đón Tết và được chờ đón mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Năm 2016 càng thêm ý nghĩa khi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cùng hướng tới chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tại Hà Nội.
2 - Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU)
Trong hai ngày 30 và 31-1, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 26, đã diễn ra tại thủ đô Addis Abeba của Ethiopia, nhằm nỗ lực tìm cách chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang trong khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều bất ổn. Trong đó, tình hình tại Burundi được nhiều quốc gia Liên minh châu Phi quan tâm
Bên cạnh tình hình Burundi, hội nghị còn tập trung thảo luận nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Libya. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi nhất trí chỉ định một nhóm tiếp xúc đặc biệt gồm lãnh đạo 5 nước nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Libya, nơi tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang mở rộng ảnh hưởng.
Hội nghị đã bầu Tổng thống Chad Idriss Deby Itno làm Chủ tịch luân phiên mới của Liên minh châu Phi
3 - Chủ tịch Cuba thăm Pháp
Trong hai ngày 1 và 2-2, Chủ tịch Cuba Raul Castro thăm Pháp. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Pháp của một lãnh đạo Cuba kể từ chuyến thăm của nhà lãnh đạo tiền nhiệm Fidel Castro cách đây 21 năm và được coi là dấu mốc cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Liên minh châu Âu (EU).
Theo các chuyên gia phân tích, chuyến thăm của Chủ tịch Cuba đã mở ra một giai đoạn mới trong việc củng cố quan hệ giữa hai nước, tiếp theo chuyến thăm Cuba của Tổng thống Pháp Francois Hollande hồi tháng 5-2015, chuyến công du đầu tiên của một lãnh đạo nhà nước phương Tây sau hơn nửa thế kỷ Cuba bị cấm vận. Sự kiện này cho thấy sự cải thiện trong quan hệ giữa Cuba với các cường quốc trên thế giới tiếp sau việc khôi phục lại mối quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 2014.
4 - Cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên tại Mỹ
Ngày 2-2, Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz của đảng Cộng hòa đã bất ngờ giành chiến thắng dù chật vật trước tỷ phú Donald Trump tại cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 ở tiểu bang Iowa. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã vượt qua đối thủ cùng đảng Dân chủ là ông Bernie Sander với cách biệt sít sao.
Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức bắt đầu với các cuộc bầu cử sơ bộ, thực chất là một hình thức chạy đua nội bộ để chọn ra một ứng cử viên sáng giá nhất đại diện cho mỗi đảng.
Trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm nay, bang Iowa diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ theo hình thức họp kín (caucus) đầu tiên, còn tiểu bang New Hampshire (Niu Ham-phia) sẽ diễn ra cuộc bầu cử theo hình thức bỏ phiếu kín (primary) đầu tiên. Dù có số phiếu đại cử tri không lớn, song đây luôn là hai bang quan trọng, có truyền thống định hướng bỏ phiếu của cử tri toàn quốc đối với các ứng cử viên tổng thống. Thống kê những kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây cho thấy người trở thành Tổng thống thường là ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc đua nội bộ đảng tại bang Iowa.
5 - Anh - Liên minh châu Âu tiến gần đến thỏa hiệp
Ngày 2-2, Thủ tướng Anh David Cameron đã khai màn cuộc vận động nhằm giữ nước Anh ở lại Liên minh châu Âu, sau khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk công bố kế hoạch dự thảo các điều khoản thành viên mới dành cho Vương quốc Anh. Như vậy, ông Cameron đã chính thức đứng về phía lựa chọn "ở lại" và có nhiều hơn hai tuần để thuyết phục cử tri Anh so với phe muốn "ra đi", trong lúc các cuộc thương lượng giữa London và vẫn tiếp tục với hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu sắp tới.
Sự kiện Liên minh châu Âu công bố một loạt kế hoạch cải cách nhằm thuyết phục Anh được xem là nỗ lực cuối cùng của liên minh kinh tế chính trị này nhằm ngăn chặn việc Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi "mái nhà chung". Những bước đi thiện chí trên cho thấy, cả Anh và Liên minh châu Âu đều muốn đạt được một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới vào ngày 18 và 19-2.
6 - Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục căng thẳng
Ngày 3-2, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trở nên căng thẳng, sau khi Cục trưởng Cục giám sát thực thi các hiệp ước của Bộ Quốc phòng Nga, Sergei Ryzkov, cho biết Ankara đã từ chối cho Nga thực hiện bay giám sát từ ngày 1 đến 5-2-2016 trên không phận nước này trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở. Ngay lập tức, vụ việc đã tạo một bầu không khí căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra chỉ hơn hai tháng sau khi nước này bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga tại khu vực biên giới với Syria. Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ song phương, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ankara cáo buộc chiếc máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ ngày 24-11-2015 đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Moskva bác bỏ và khẳng định máy bay này vẫn ở trong không phận Syria.
7- Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chính thức được ký kết, hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán
Ngày 4-2, tại thành phố Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế của 12 nước thành viên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức đặt bút ký vào văn bản này, đánh dấu việc các nước chính thức hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán để có thể bắt đầu thủ tục phê chuẩn tại mỗi nước. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đại diện cho Việt Nam tham gia lễ ký TPP tại Auckland. Chứng kiến lễ ký có Thủ tướng nước chủ nhà John Key.
Sau lễ ký này, các nước thành viên có thời gian 2 năm để thực hiện các quy trình nội bộ, hoàn tất thủ tục phê chuẩn tại Quốc hội để TPP có hiệu lực. Thỏa thuận này sẽ chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 6 nước thành viên, chiếm tối thiểu 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp của cả 12 nước, phê chuẩn. Điều này có nghĩa là thỏa thuận phải được Quốc hội tại hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP là Mỹ và Nhật Bản thông qua.
8 - WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về virus Zika
Ngày 1/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự gia tăng các ca dị tật bẩm sinh nghiêm trọng tại Nam Mỹ "rất có khả năng" do virus Zika gây ra và coi đây là yếu tố đủ để cấu thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế.
Cảnh báo được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp thuộc WHO, cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi xử lý tình hình dịch bệnh Zika. Cuộc họp diễn ra dưới hình thức thảo luận trực tuyến giữa các quan chức đầu ngành của WHO, đại diện các quốc gia có dịch và các chuyên gia trên toàn thế giới.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp Ủy ban Khẩn cấp tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cho biết tất cả chuyên gia thuộc ủy ban này đều nhận định nhiều khả năng tồn tại quan hệ nhân quả giữa virus Zika lây truyền từ muỗi và sự gia tăng các trường hợp trẻ sơ sinh bị hiện tượng đầu và não nhỏ bất thường. WHO tuyên bố đây là "tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng" trên toàn cầu.
9 - Triều Tiên thông báo phóng vệ tinh nhân tạo
Thông báo của Triều Tiên cho biết, vụ phóng vệ tinh sẽ diễn ra từ khoảng 7 giờ sáng tới trưa (theo giờ Bình Nhưỡng), hoặc từ khoảng 22:30 và 3:30 giờ (theo giờ UTC). Trong thông báo gửi tới IMO, Triều Tiên cho biết, tầng thứ nhất của tên lửa mang theo vệ tinh sẽ có khả năng rơi xuống biển Hoàng Hải - thuộc khu vực bờ biển phía Tây của Hàn Quốc; vỏ của vệ tinh sẽ rơi xuống vùng biển phía Tây Nam thuộc đảo Jeju của Hàn Quốc; tầng thứ 2 của tên lửa dự kiến sẽ rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương, khu vực đảo Luzon của Philippines.
Sau khi nhận được thông báo của Triều Tiên, IMO đã kêu gọi các tàu thuyền tránh di chuyển tới các vùng biển có khả năng bị ảnh hưởng trong thời gian Triều Tiên dự kiến phóng vệ tinh. Triều Tiên thông báo kế hoạch phóng vệ tinh.
Thông báo trên được Triều Tiên đưa ra sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) ngày 6/1 vừa qua. Bất chấp việc Bình Nhưỡng cho rằng các chương trình vũ trụ của mình nước này vì mục đích khoa học, cộng đồng quốc tế luôn bày tỏ quan ngại trước các vụ phóng của Triều Tiên, cho rằng đây thực chất là các vụ thử tên lửa đạn đạo. LHQ đã ra các nghị quyết cấm Bình Nhưỡng sử dụng bất kỳ công nghệ đạn đạo nào, cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt sau vụ phóng vệ tinh gần đây nhất của nước này hồi tháng 12/2012.