Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết mục đích, yêu cầu của cuộc Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009?
Đồng chí Đinh Thế Thập: Tổng điều tra Dân số và nhà ở vào thời điểm O giờ ngày 1-4-2009 nhằm thu thập các thông tin cơ bản về dân số và nhà ở với mục tiêu:
Một là: Phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương;
Hai là: Đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá tình hình thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ năm 2000 đến năm 2010, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và giám sát thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết;
Ba là: Cung cấp các số liệu cơ bản về dân số và nhà ở của các đơn vị hành chính nhỏ nhất, bổ sung nguồn số liệu cho các cuộc điều tra thường xuyên, cung cấp dàn mẫu và cơ sở dữ liệu dân số và nhà ở cho các mục đích nghiên cứu khác nhau trong mười năm sau cuộc Tổng điều tra.
P.V: Vậy mục đích, ý nghĩa của công tác huấn luyện nghiệp vụ điều tra, ghi phiếu, giám sát địa bàn điều tra cho tổ trưởng và điều tra viên (ĐTV) là gì?
Đồng chí Đinh Thế Thập: Để đảm bảo chất lượng cho cuộc tổng điều tra, công tác huấn luyện nghiệp vụ cho những người tham gia điều tra là hết sức quan trọng. Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở vào thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2009 sẽ phải huy động trên 330.000 người tham gia và diễn ra trên khắp các địa bàn điều tra của cả nước.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phải huy động trên 2.000 người được đào tạo để trở thành điều tra viên và tổ trưởng điều tra của 1.733 địa bàn điều tra, trong đó 586 điều tra viên và tổ trưởng điều tra với 344 địa bàn điều tra mẫu và 1.307 tổ trưởng và điều tra viên đối với 1.389 địa bàn điều tra toàn bộ (cứ 1 tổ trưởng phụ trách từ 3-4 điều tra viên) và tổ chức 39 lớp học trong toàn tỉnh.
Việc huấn luyện nghiệp vụ đăng ký ghi phiếu điều tra cho lực lượng này là hết sức khó khăn, vất vả và tốn kém, nhưng lại là yếu tố quan trọng nhất quyết định tới chất lượng của cuộc Tổng điều tra.
Cán bộ Cục thống kê chuẩn bị tài liệu tuyên truyền cho cuộc Tổng điều tra.
P.V: Đồng chí cho biết tiến độ triển khai thực hiện các bước công việc trong cuộc Tổng điều tra?
Đồng chí Đinh Thế Thập: Từ ngày 12-2 đến ngày 20-3-2009, tỉnh ta đã tổ chức 39 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 1.893 tổ trưởng và điều tra viên (lớp địa bàn điều tra mẫu 8 ngày, lớp địa bàn điều tra toàn bộ 4 ngày). Kết quả kiểm tra cuối mỗi lớp tập huấn cho thấy các học viên đã cơ bản nắm vững nghiệp vụ điều tra, ghi phiếu. Có thể khái quát đánh giá kết quả tập huấn nghiệp vụ điều tra, ghi phiếu trên một số nét chủ yếu:
Công tác tuyển chọn cán bộ điều tra đã được Ban chỉ đạo các cấp quan tâm chọn cử các đồng chí có trình độ, năng lực, có tinh thần trách nhiệm và khả năng vận động quần chúng, am hiểu về tình hình dân cư ở địa phương...
Công tác tổ chức lớp học, quản lý nội dung chương trình tập huấn nghiệp vụ đã được các Ban chỉ đạo tập trung chỉ đạo một cách nghiêm túc và thống nhất.
Nhìn chung, các học viên nghiêm túc trong học tập, đa số tiếp thu nội dung bài giảng khá tốt. Đội ngũ giảng viên có nhiều cố gắng nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng và truyền đạt khá tốt những nội dung của cuộc tổng điều tra, nhất là những vấn đề quy định về nghiệp vụ điều tra, đăng ký ghi phiếu.
Căn cứ vào kế hoạch triển khai Tổng điều tra dân số và nhà ở của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo tỉnh đã thông qua kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp đến hết tháng 9-2009.
Nội dung chủ yếu của kế hoạch này gồm:
Trước ngày 25-3: Ban chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã mở cuộc họp để quán triệt sâu thêm về nghiệp vụ điều tra và phổ biến kế hoạch tập trung chỉ đạo, tổ chức Tổng điều tra tại các địa bàn với trưởng Ban chỉ đạo các xã, phường, thị trấn; tổ trưởng điều tra và các điều tra viên.
Công tác tuyên truyền từ ngày 25-3 đến 20-4-2009: Tiến hành đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức phát thanh, truyền thanh, truyền hình, thông tin cổ động, áp phích, khẩu hiệu trên Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh, nhất là hệ thống đài truyền thanh cấp xã để đảm bảo cho mọi người biết được mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.
Từ ngày 20-31-3 là thời gian tổng kiểm tra, soát xét và hiệu chỉnh sơ đồ, bảng kê địa bàn điều tra. Đây là công việc rất quan trọng để phân công trách nhiệm giữa các điều tra viên và cung cấp bước đầu số liệu về nhân khẩu của từng địa bàn, thôn, xóm, xã, phường, thị trấn; huyện, thành phố, thị xã cũng như toàn tỉnh. Vì vậy, Ban chỉ đạo các địa phương cần tập trung chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác này, phải đảm bảo 100% địa bàn điều tra được kiểm tra, soát xét và bổ sung, hiệu chỉnh những thay đổi, biến động từ khi sẽ sơ đồ, lập bảng kê (từ cuối tháng 12-2008 đến nay).
Bước điều tra thực tế tại các địa bàn điều tra sẽ được tiến hành trong 20 ngày từ ngày 1-4 đến ngày 20-4 (đối với các địa bàn điều tra mẫu) và 15 ngày từ 1-4 đến 15-4 (đối với các địa bàn điều tra toàn bộ).
Công tác tổng hợp sơ bộ và bàn giao tài liệu điều tra từ điều tra viên đến Ban chỉ đạo các cấp như sau:
- Trước ngày 20-4: Điều tra viên bàn giao tài liệu cho tổ trưởng.
- Trước ngày 22-4: Tổ trưởng bàn giao tài liệu cho Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn.
- Trước ngày 25-4: Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn bàn giao tài liệu cho Ban chỉ đạo huyện, thành phố, thị xã.
- Trước ngày 5-5: Ban chỉ đạo huyện, thành phố, thị xã ban giao tài liệu cho Ban chỉ đạo tỉnh.
Sau đó, Ban chỉ đạo tỉnh sẽ tiếp tục hoàn tất một số công việc như: Tổng hợp nhanh, mã hóa tài liệu... và bàn giao tài liệu cho Trung ương theo kế hoạch của Ban chỉ đạo T.Ư.
Công tác tổng kết Tổng điều tra: ở cấp huyện, thành phố, thị xã vào cuối tháng 5-2009 và toàn tỉnh sẽ tổng kết Tổng điều tra vào đầu tháng 7-2009.
P.V: Đồng chí có ý kiến gì với bạn đọc và nhân dân?
Đồng chí Đinh Thế Thập: Tổng điều tra và nhà ở là một công việc to lớn và phức tạp, lại phải hoàn thành trong một thời gian ngắn. Bởi vậy trong thời gian điều tra, đăng ký phải coi Tổng điều tra dân số là công tác trọng tâm, đột xuất của các cấp, các ngành và phải tập trung hoàn thành dứt điểm. Kinh nghiệm của các cuộc Tổng điều tra cho thấy, sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng nhân dân là yếu tố rất quan trọng đối với sự thành công của cuộc Tổng điều tra. Vì vậy, để giúp đỡ cán bộ điều tra Tổng điều tra dân số và nhà ở hoàn thành tốt nhiệm vụ, đề nghị nhân dân ở các địa phương làm tốt một số vấn đề sau:
1. Sắp xếp thời gian ở nhà để tiếp cán bộ điều tra theo lịch hẹn.
2. Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về bản thân và các thành viên trong hộ cho điều tra viên.
3. Những người có thể vắng mặt trong thời gian điều tra, cần ghi lại một số thông tin về bản thân để gia đình khai hộ.
4. Đối với những hộ sẽ đi vắng cả hộ trong thời gian điều tra, cần chủ động gặp cán bộ điều tra để kê khai trước.
5. Những người mới chuyển đến sinh sống tại địa bàn mà chưa được kê khai ở bất kỳ nơi nào, cần tìm gặp cán bộ điều tra để kê khai bổ sung.
6. Giúp đỡ cán bộ điều tra trong việc phát hiện các trường hợp chết, đặc biệt đối với các trường hợp chết sơ sinh và chết cả hộ từ Tết Nguyên đán Mậu Tý đến hết tháng 3-2009 ở thôn, xóm, tổ dân phố của mình.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí !
Đinh Chúc (thực hiện)