Một trong những hoạt động thể thao truyền thống thu hút khá đông người xem, cổ vũ là môn vật dân tộc. Ngay từ buổi sáng ngày khai hội, tại sới vật đã có khá đông người đứng chờ xem, mặc dù lúc này Ban Tổ chức mới đang thông báo thể lệ cuộc thi và các đô vật khởi động chuẩn bị cho cuộc đấu. Giải vật năm nay thu hút 50 đô vật đến từ 8 huyện, thành phố, với các hạng cân khác nhau, thi đấu trong 3 ngày diễn ra lễ hội. Từ những thanh thiếu niên mới mười mấy tuổi cho đến những đô vật trưởng thành, cơ bắp cuồn cuộn đều thể hiện những màn đấu vật đẹp mắt, rất riêng của môn vật dân tộc, nhận được sự hò reo, cổ vũ của người xem. Môn vật dân tộc được nhận xét là môn thể thao truyền thống thu hút khá đông khán giả tới xem và cổ vũ tại lễ hội Hoa Lư, bởi ở đó thể hiện rõ nhất tinh thần thượng võ, ý chí, nghị lực và tinh thần quyết đấu ở mỗi đô vật. Đây cũng là nơi người trẻ được tìm hiểu về môn thể thao truyền thống của cha ông, người già nhớ lại thời quá khứ trai tráng và hơn hết, tại sới vật đã phô diễn vẻ đẹp của sức mạnh, sự nhanh nhẹn, khéo léo, đặc biệt là tinh thần thượng võ của người dân đất Cố đô.
Ngay cạnh sới vật diễn ra bộ môn thể thao hiện đại - thi đấu bóng chuyền giữa các đội bóng chuyền của 8 xã trên địa bàn huyện, chia làm hai bảng thi đấu. Các đội thi đấu theo hình thức vòng tròn tính điểm, sau đó chọn 2 đội nhất, nhì mỗi bảng vào bán kết, chung kết. Sân thi đấu bóng chuyền luôn sôi động và náo nhiệt, bởi những cầu thủ là những thanh niên trai tráng đang tuổi mới lớn, ngoài thể hiện sự mạnh mẽ trong các pha nhẩy, đánh bóng cho đối phương, họ còn thể hiện sự khéo léo, nhanh nhẹn trong những pha di chuyển nhanh chóng, giành giật để đánh bóng nhanh và chuẩn xác khiến đối phương không kịp trở tay. Môn thể thao hiện đại này đã mang lại không khí náo nhiệt, sôi động cho lễ hội, thu hút nhiều người xem ở các lứa tuổi, giới tính, trong đó đông hơn cả là những thiếu nữ mới lớn của các xã có đội bóng chuyền tham gia, họ cổ vũ, hò reo cho đội bóng của xã mình, cho người thân và bạn trai, người yêu của mình...
Vui nhộn và hào hứng hơn nữa là hội thi chèo thuyền khéo, bởi đây là nét văn hóa của người dân vùng Cố đô. Với đặc điểm bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên, lịch sử, việc sử dụng thuyền được hình thành từ bao đời nay và hiện nay, có khá nhiều khu danh lam, thắng cảnh của Ninh Bình phải sử dụng thuyền mới có thể đến tham quan, chiêm ngưỡng. Tham gia hội thi có 3 đội thuộc các xã Ninh Hải, Ninh Xuân và Trường Yên. Người dự thi là các thợ chèo đò được tuyển chọn từ những người lái đò "điêu luyện" ở các khu du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư. Hội thi diễn ra vào buổi sáng ngày 14/4, tại sông Sào Khê, ngay cổng khu vực lễ hội, tạo không khí sảng khoái, mát mẻ và âm thanh vang động trên một khúc sông. Nhưng người chèo thuyền, trái với vẻ khoan thai, đủng đỉnh khi chèo thuyền cho du khách, khi vào cuộc, họ được dịp phô diễn hết sức mạnh với sự nhanh nhẹn, khéo léo của mình. Những nhát chèo nhanh lấp loáng, đều tăm tắp khiến chiếc thuyền lướt nhẹ như bay trên mặt nước trong sự hò reo, cổ vũ của hàng trăm khán giả hai bên bờ sông. Không đặt nặng vấn đề ai thắng, ai thua, hội thi chèo thuyền khéo tại lễ hội Hoa Lư hàng năm được tổ chức mang nét văn hóa riêng của người dân Cố đô, bởi trò chơi không chỉ mang ý nghĩa ôn lại truyền thống trong lịch sử của cư dân kinh đô Hoa Lư xưa, mà còn miêu tả hoạt động phục vụ du khách tại các điểm du lịch, là hoạt động giải trí phục vụ lễ hội, mang ý nghĩa sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân và du khách.
ở một góc sân khác của lễ hội là nơi thi đấu môn cờ người (cờ tướng), do Hội Cựu chiến binh huyện Hoa Lư chủ trì. Có 48 vận động viên của 12 đội tuyển đến từ các huyện, thành phố đã tham gia bộ môn này, diễn ra trong cả 3 ngày lễ hội. ở môn thể thao này, cả người xem và người tham gia hầu hết là những bậc cao niên, bởi ở họ mới có sự điềm tĩnh, nhẫn nại và thận trọng khi chơi và xem môn thể thao đòi hỏi trí tuệ cao này. Một ván cờ được chơi và để phân thắng-bại phải trong một thời gian khá dài. Những ai đã ham mê môn cờ tướng này thì rất thích xem và phải xem tới cùng, bởi họ bị cuốn theo những nước cờ hay, ván đấu căng thẳng đến hồi hộp, nín thở. Bàn cờ tướng được hiện thực hóa với những quân cờ do các thiếu niên mặc quần áo, đội mũ màu đỏ, màu vàng cầm quân cờ di động theo sự chỉ đạo của những kỳ thủ dự thi, tạo cảnh đẹp mắt cho không gian lễ hội và gây thích thú cho người xem.
Ngoài các môn thể thao kể trên, tại lễ hội Hoa Lư 2019 còn không ít những trò chơi dân gian gắn với hoạt động thể thao như biểu diễn trống nhảy, múa trống, biểu diễn cồng chiêng, nhảy bao bố, thi kéo co... huy động được sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị, xã hội, các huyện, thành phố, góp phần mang lại sự đa dạng, không khí sôi nổi, vui tươi, náo nhiệt cho lễ hội. Các môn thi đấu thể thao nói riêng, các hoạt động văn hóa nói chung tại lễ hội được biểu diễn, thể hiện không chỉ là sự tranh tài, tạo không khí náo nhiệt, hấp dẫn người dân và du khách, mà sâu xa hơn, đây là dịp để mỗi người dân trẩy hội được biết, hiểu hơn về những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông được lưu giữ, tiếp nối đến hôm nay.
Đức Bá