Tại kỳ họp, các đại biểu đã dành nhiều thời gian cho hoạt động thảo luận và chất vấn. Các ý kiến phát biểu của các đại biểu đều cụ thể, sát với tình hình thực tiễn và đời sống nhân dân, thấu hiểu những bức xúc của người dân và từ đó có những phản ánh, đề xuất, kiến nghị sát thực, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao.
Đề ra nhiều giải pháp cụ thể, sát thực
Trong phiên họp thảo luận tại tổ và tại hội trường, các đại biểu đều thống nhất nhận định: Trong 6 tháng qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, diện mạo của tỉnh có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, nhân dân phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp.
Trên lĩnh vực kinh tế, các đại biểu đều khẳng định, trong bối cảnh của tình hình lạm phát, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh vẫn đạt 15,9%. Trong đó hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. Nếu như trước đây, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp trong tỉnh là hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ, đồ hộp nước quả..., thì trong 6 tháng qua, một số mặt hàng mới như: xi măng, phân lân đã được xuất sang một số nước, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng cao.
Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2010, nguyên nhân là do một số dự án đã hoàn thành xây dựng, sản xuất sản phẩm mới như: ô tô, cần gạt nước ô tô, kính nổi..., vốn đầu tư cho sản xuất được đảm bảo, chất lượng và hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp được nâng lên.
Vấn đề thu ngân sách cũng được các đại biểu quan tâm. Hầu hết các đại biểu đều khẳng định, để đảm bảo thu ngân sách bền vững, ngoài nguồn thu từ thuế, phí và thu từ hoạt động xuất khẩu, cần tập trung vào nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Đại biểu Quách Cương cho rằng: Cần đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất đối với khu đất đã được phê duyệt quy hoạch; tổng hợp phần tài sản gắn liền với đất của các cơ quan Nhà nước hiện không còn sử dụng đưa vào đấu giá nhằm tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các đại biểu nêu ý kiến, hiện nay một số dự án trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng và nguồn vốn, đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, tùy từng dự án cụ thể yêu cầu chủ đầu tư căn cứ phạm vi giải phóng mặt bằng và nguồn vốn để hoàn thành dứt điểm từng hạng mục công trình, nhất là các dự án liên quan đến du lịch. Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn trong nợ xây dựng cơ bản của các huyện, các xã. Một số đại biểu đề nghị tỉnh cần có chính sách để các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn có vốn đầu tư, đào tạo được đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, góp phần tăng số lượng khách du lịch lưu trú trên địa bàn...
Nhiều đại biểu cũng đề nghị có kế hoạch cụ thể để thực hiện xây dựng nông thôn mới, trong đó hàng năm cần có dự toán kinh phí thỏa đáng để đầu tư hỗ trợ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình xây dựng nông thôn mới; có chính sách hỗ trợ vay vốn để đầu tư máy móc vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang trồng cây xuất khẩu có giá trị kinh tế cao...
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các đại biểu đề nghị cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho những xã còn khó khăn, nhất là trường học Mầm non và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các xã bãi ngang của huyện Kim Sơn để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nâng cao đời sống nhân dân của các địa phương này. Một số đại biểu cũng đề xuất cần chú trọng công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động ở những địa phương bị thu hồi đất nông nghiệp. Nâng cao đời sống công nhân ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đồng thời cần tổ chức tiếp xúc cử tri đối với công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Một số đại biểu đề nghị tỉnh cần có giải pháp trong chương trình biến đổi khí hậu và phòng tránh nước biển dâng, bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân vùng ven biển. Trong tiến trình CNH-HĐH, nhiều đại biểu có ý kiến cần quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, thể chế văn hóa, đời sống văn hóa, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao ý thức của người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về gia đình và trẻ em; quan tâm đặc biệt đến giáo dục đạo đức cho thanh, thiếu niên; phòng, chống các tệ nạn xã hội...
Tại kỳ họp, hai đề án, tờ trình dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh Ninh Bình 5 năm 2011-2015 và Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 cũng được các đại biểu sôi nổi thảo luận. Đa số các đại biểu đánh giá cao các tờ trình, đề án, dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đảm bảo đầy đủ các căn cứ pháp lý, bám sát các Nghị quyết về phát triển KT-XH đến 2020 của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời có một số ý kiến bổ sung như: Đề nghị bổ sung nhóm chỉ tiêu chủ yếu Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 về văn hóa xã hội, chỉ tiêu thôn, khu dân cư, gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; về môi trường, bổ sung chỉ tiêu về xử lý thu gom rác thải, chất thải; đánh giá và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý đất đai; kế hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, kinh tế hợp tác xã... Đặc biệt, cần có chiến lược, giải pháp đồng bộ về quy hoạch tổng thể của tỉnh gắn với quy hoạch phát triển của từng huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh...
Tập trung giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri
Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, tại kỳ họp, đại diện các ngành chức năng của tỉnh đã trả lời ý kiến chất vấn của cử tri. Đối với nội dung: việc xây dựng một số công trình thuộc dự án phân lũ, chậm lũ trên địa bàn huyện Gia Viễn tiến độ chậm; nhất là việc triển khai 2 nhà máy nước sạch ở Gia Minh và Gia Phong bị đình trệ, ông Nguyễn Chí Tình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việc thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng phân lũ huyện Gia Viễn đã thực hiện xong 17/25 chương trình, các công trình còn lại đang được tiếp tục thực hiện và chuyển sang nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện tiếp.
Về nguyên nhân chậm tiến độ của 2 nhà máy nước Gia Minh và Gia Phong do thay đổi, điều chỉnh quy mô, UBND xã đề nghị bổ sung thêm máy biến thế vì trạm biến thế của xã không đủ công suất phục vụ; nhà thầu đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư do đơn giá vật liệu thay đổi, do trượt giá. Tổng mức đầu tư đã tăng lên nhiều lần. Nhà thầu do thực hiện nhiều hạng mục nên chưa tập trung cao độ thi công các công trình. Giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành cấp tiếp vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành các công trình; một số hạng mục, dự án cần thiết phải hoàn thành mới phát huy hiệu quả đề nghị cho phép tiếp tục triển khai thi công và cấp vốn để hoàn thành; một số hạng mục, dự án còn lại đề nghị chuyển sang hỗ trợ theo các chương trình hỗ trợ có mục tiêu và chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đề nghị các chủ đầu tư tích cực đôn đốc đơn vị thi công tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương hoàn thành các hạng mục công trình để sớm đưa vào khai thác, sử dụng.
Trả lời ý kiến cử tri chất vấn về việc đẩy nhanh tiến độ giám định và xét duyệt đảm bảo quyền lợi cho những người bị nhiễm chất độc điôxin khi tham gia chiến đấu và phục vụ tại các chiến trường, ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Sở LĐ-TB &XH trả lời: Ngành LĐ-TB &XH đã phối hợp với các ngành chức năng tích cực thực hiện các khâu tuyên truyền, hướng dẫn làm hồ sơ, tổ chức xét duyệt, giám định, tổ chức chi trả, trợ cấp cho các đối tượng. Mọi đối tượng sau khi lập hồ sơ đều được khẩn trương giải quyết. Sở LĐ-TB &XH ra quyết định chi trả trợ cấp nếu đủ các điều kiện. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều hồ sơ không đủ điều kiện, không ít hồ sơ dùng giấy tờ giả, bệnh án giả nên Sở đã chuyển trả lại. Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ, chính sách cho những người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học vẫn còn chậm. Vì vậy, ngành cần phải tiếp tục kiểm tra, đôn đốc nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời hơn.
Về ý kiến của cử tri kiến nghị vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm nguồn nước do nước thải và rác thải gây ra nhiều nơi, nhất là kênh dẫn nước đoạn từ Nhà máy điện Ninh Bình đến xã Khánh Hải (huyện Yên Khánh), ông Chu Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời: Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 161.538 tấn/năm. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, việc xử lý rác thải chưa hợp vệ sinh, không ổn định do thiếu kinh phí. Để giải quyết những tồn tại trên, Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015, đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường; xây dựng mạng lưới thu gom, điểm trung chuyển chất thải rắn tại các địa phương; bố trí nguồn kinh phí cho việc đầu tư phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải và xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại các huyện; có giải pháp xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh hàng năm...
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cũng trả lời ý kiến cử tri phản ánh nội dung các cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet công cộng chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, kinh doanh dịch vụ Internet khiến nhân dân bức xúc, đồng thời đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề này.
Ngọc Minh - Quỳnh Thu