Điều đáng ghi nhận hơn cả là một số mô hình đã thể hiện đúng tinh thần dân vận khéo khi lựa chọn những công việc không đòi hỏi nhiều về kinh phí, kỹ thuật, công nghệ để huy động sự tham gia trực tiếp của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, giải quyết có hiệu quả các vấn đề khó khăn ở cơ sở như mô hình "dồn điền đổi thửa phù hợp với quy hoạch, tổ chức lại sản xuất gắn với hiến đất tự nguyện tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới" ở xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh; vận động thành lập và hướng dẫn hoạt động cho 36 mô hình Tổ hợp tác liên kết sản xuất của Hội Nông dân… Cùng với đó Khối dân vận ở các địa phương cũng tăng cường mở các hội nghị đầu bờ về kinh nghiệm sản xuất, các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, quy trình công nghệ mới trong sản xuất, hỗ trợ hội viên, đoàn viên nghèo tham gia vào các hình thức sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt phong trào thi đua Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới đã phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, tác động tích cực đến việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở nông thôn. Trong năm 2014, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sau khi được tuyên truyền, vận động, nhân dân đã tự nguyện đóng góp 193 nghìn ngày công, hiến 419,7 ha đất góp phần hoàn thành gần 2.000 tuyến đường giao thông nông thôn và nhiều công trình khác. Có 36 xã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Tuy nhiên trên thực tế không chỉ đơn thuần chú trọng đến việc vận động từng người dân, từng hộ dân tham gia ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy còn trực tiếp phối hợp với các đoàn thể, các ngành trực tiếp giúp cấp ủy, chính quyền 13 xã về đích nông thôn mới năm 2014 trong việc xây dựng chính sách đầu tư các công trình, dự án. Đồng thời phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn các xã đánh giá thực trạng kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phân loại cụ thể theo mức các tiêu chí đã đạt bền vững, các tiêu chí đã đạt nhưng chưa bền vững, cần sự đầu tư của Nhà nước, các tiêu chí cần vận động cộng đồng dân cư tham gia. Thông qua đó giúp các địa phương xác định rõ những công việc cần tập trung thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua đã huy động được sức mạnh và quyết tâm cao của hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia, qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm thay đổi nhận thức của nhân dân về thực hành tiết kiệm, giữ gìn nét đẹp văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình, cách làm dân vận khéo của các tập thể, cá nhân đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư cho công tác xã hội như mô hình "thắp sáng đường quê", "đám cưới văn minh tiết kiệm" của Tỉnh đoàn; mô hình tuyến đường, tuyến phố sáng, xanh, sạch, đẹp ở thành phố Ninh Bình… Một số hoạt động Dân vận khéo lại chú trọng gắn với các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như: vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh du lịch, văn minh đô thị trước sự kiện quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình các chiến sỹ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa…
Không chỉ tham gia vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương, phong trào thi đua dân vận khéo còn có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống chính trị thông qua việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Trong đó nổi bật là một số cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể đã đối thoại trực tiếp với đoàn viên, hội viên, nhân dân ở cơ sở; lấy ý kiến công khai trước khi quyết định những việc có liên quan đến nhân dân.
Thùy Phương