Thị trường hoa, cây cảnh khởi động sớm Khi đời sống của người dân ngày một khá lên thì nhu cầu tinh thần cũng được nâng cao. Mỗi khi Tết đến, xuân về dường như nhà nào cũng chọn cho mình một loại hoa, cây cảnh. Chơi hoa, cây cảnh giờ đây không phải là một thứ xa xỉ nữa. Dạo quanh chợ hoa, cây cảnh của thành phố Ninh Bình, các loại cây cảnh như bưởi, quất, hoa lan, hoa ly… đã bày bán tràn ngập trên các tuyến phố chính và khu chợ hoa trung tâm của thành phố.
Hoa Tết năm nay nổi bật và thu hút khách hàng hơn cả là các loại lan Hồ điệp, Vũ nữ, Ngọc điểm, Cattleya…, vì những loại này dễ chăm sóc, hoa đẹp, lại nở vào đúng dịp Tết. Chủ cửa hàng hoa Sơn Trang, thành phố Ninh Bình cho biết, năm nay thị trường lan sôi động sớm hơn và nhu cầu cũng tăng hơn hẳn. Dù giá lan đang tăng mạnh từ 30-40% so với năm ngoái, nhưng dự kiến lượng tiêu thụ năm nay sẽ tăng 15%.
Còn chủ cửa hàng hoa trên đường Tràng An, (thành phố Ninh Bình) cho biết: Năm nay, các giống lan nhập từ Trung Quốc không còn được ưa chuộng nhiều vì những hạn chế như chăm sóc khó, hoa không bền, sắc hoa nhạt hơn hoa trồng trong nước, mà giá lại đắt hơn. "Hoa lan của ta đáp ứng được các yêu cầu của người chơi như màu sắc đặc trưng, cấu trúc hoa đẹp, hoa bền, đặc biệt là dễ chăm sóc".
Nắm bắt được xu hướng chơi hoa mới của người dân, các cửa hàng kinh doanh hoa Tết còn nhập thêm nhiều loại hoa mới, độc đáo như đào và mai đỏ, mai trắng của Đài Loan, Nhật Bản. Nhiều người bán hàng nhận xét những loại cây này được khá nhiều khách hỏi mua với giá bán trung bình từ 150.000-200.000 đồng/cây. Một số loại hoa được nhập từ Trung Quốc như trạng nguyên, hồng môn, hoa nắp ấm, hoa đón xuân…cũng thu hút được đông đảo khách hàng như mọi năm với giá bán dao động từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng/cây
Những năm gần đây, thú chơi cây cảnh ngày Tết cũng có nhiều sự thay đổi. Nhà có điều kiện thì mua các loại cây to, thế đẹp có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng; gia đình nào không có điều kiện cũng tìm được loại cây phù hợp với giá chỉ vài chục hoặc vài trăm nghìn để chơi Tết. Ngay từ đầu tháng Chạp, người dân đã có nhu cầu mua hoa, mua cây khiến thị trường này nhộn nhịp từ rất sớm.
Qua khảo sát, những cây đào có thế đẹp được trồng tại chậu giá từ 800.000 đến 1.200.000 đồng/cây; cam canh, bưởi giá phổ biến 1.300.000 đến 25.000.000 đồng/cây; quất phổ biến từ 300.000-1.000.000 đồng/cây... Các loại cam canh, quất, hoa đào... có tầm vóc nhỏ, thấp bé hơn được người mua bày trong những ngôi nhà nhỏ, phòng làm việc hay thềm nhà có giá từ 150.000 đến 500.000 đồng/cây...
Anh Nguyễn Văn Hùng, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình cho biết: Mặc dù còn nửa tháng nữa mới đến Tết nhưng trong nhà tôi đã trang trí đầy đủ hoa, cây cảnh chuẩn bị đón Tết. Mấy năm trở lại đây, quất không còn được ưu chuộng, những gia đình khá giả thường chọn mua bưởi hoặc cam để thay thế mặc dù giá các loại cây này không rẻ. Anh Hùng cho biết, giá trung bình của cây bưởi đẹp khoảng trên 10 triệu đồng. Giá bưởi được tính theo dáng cây và độ tuổi của cây. Vì vậy, những người chọn bưởi cũng phải rành về cây cảnh.
Bánh kẹo Việt chiếm ưu thế
Bánh kẹo cũng là mặt hàng không thể thiếu trong gia đình Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về. Thời điểm này, không khí mua sắm bánh kẹo cho dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã bắt đầu sôi động. ở các siêu thị Big C, Vinmart, bánh kẹo Việt chiếm thế áp đảo (trên 80%). Thị trường bánh kẹo, mứt năm nay rất đa dạng về chủng loại, nhãn hiệu, giá thành và cả nguồn gốc xuất xứ với các thương hiệu lớn như: Bibica, Hải Hà, Kinh Đô, Hữu Nghị…, các sản phẩm được trưng bày bắt mắt tại các điểm "đắc địa" của siêu thị.
Đại diện siêu thị Big C cho biết: Thực hiện chương trình bình ổn thị trường và cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hệ thống Big C trên toàn quốc đã cam kết bán hàng bình ổn giá và khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm của Việt Nam.
Cũng trong chuỗi các sự kiện phục vụ Tết Nguyên đán 2018, siêu thị Big C tổ chức nhiều đợt bán hàng giảm giá, khuyến mại để người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội mua sắm, lựa chọn những sản phẩm phù hợp nhất cho gia đình mình.
Trong khi các sản phẩm Việt chiếm ưu thế tại các siêu thị lớn thì tại một số siêu thị mini, bánh kẹo Việt vẫn đang chịu sự cạnh tranh của bánh kẹo nhập ngoại. Hiện các sản phẩm nhập ngoại không chỉ bó hẹp ở một vài thương hiệu truyền thống từ châu Âu như Nga, Bỉ, Đan Mạch mà còn nở rộ các thương hiệu từ Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… Những sản phẩm nhập ngoại giá cao hơn từ 10-15% so với hàng nội nhưng đối với nhiều người, mức giá này có thể chấp nhận được nếu sản phẩm tốt.
Đặc biệt, hiện nay, bánh kẹo có xuất xứ từ Thái Lan xuất hiện khá nhiều tại các cửa hàng bánh kẹo trên thị trường thành phố Ninh Bình. Bánh kẹo Thái Lan giá khá mềm, lại đa dạng về khẩu vị nên cũng được nhiều người tìm mua. Giá bánh kẹo Tết nhập ngoại năm nay không cao, dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/sản phẩm.
Chủ cửa hàng bánh kẹo G7 ở thành phố Ninh Bình cho biết: "Để khách hàng có nhiều sự lựa chọn, cửa hàng nhập cả hàng nội và hàng ngoại với tỷ lệ tương đương nhau. Nếu mua về để thưởng thức, tiếp khách, đa số khách hàng chọn hàng nội, còn làm quà biếu thì hàng ngoại vẫn được ưu tiên hơn.
Gần đây nhà sản xuất cũng có chế độ chăm sóc người bán chu đáo như tăng chiết khấu, giao hàng ngay. Còn nhập hàng ngoại nếu bị hư, lỗi gì người bán phải chịu hết. Hiện nay giá bánh hộp ngoại nhập tăng 20-25% so với năm ngoái, trong khi các thương hiệu bánh nội tăng khoảng 10-15% nên hàng nội bán rất chạy"
Tuy thị trường bánh kẹo có sự cạnh tranh giữa các sản phẩm nội, ngoại nhưng với tâm lý sắm Tết an toàn, cùng với sự chuyển biến trong nhận thức từ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tác động trực tiếp và rõ nét đến xu hướng, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các thương hiệu tin cậy trong những ngày Tết.
Các sản phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc hay sản phẩm của các cơ sở coi nhẹ chất lượng, sức khỏe người tiêu dùng không còn được lựa chọn. Nhiều đại lý vẫn hy vọng về sự thắng thế của hàng Việt trong mùa mua sắm lớn nhất trong năm này.
Nguyễn Thơm