Cùng dự còn có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Quốc Trung, Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội- Ban Tuyên giáo Trung ương; Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục quản lý thị trường, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; thường trực các huyện, thành phố; Ban Tuyên giáo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; giám đốc Trung tâm y tế, Trưởng phòng y tế, Công thương các huyện, thành phố.
Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 08 nhấn mạnh:Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 08, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Thực hiện khá tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện an toàn thực phẩm được quan tâm. Các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác ATTP trong tình hình mới.
5 năm đã có 1.408/1.666 cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 105/150 cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Từ tỉnh đến cơ sở đã thành lập được 778 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và 830 đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành; đã thanh, kiểm tra được 41.165 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống, phát hiện 5.525 lượt cơ sở có vi phạm, xử phạt 947 cơ sở với số tiền trên 1,8 tỷ đồng...
Kết quả công tác ATTP đã có chuyển biến và đi vào thực chất đời sống nhân dân hơn, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các tổ chức kinh tế- xã hội và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ATTP; đa số người dân hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong việc thực hiện các quy định về ATTP, thực hiện tốt việc phản ánh, phê phán những hành vi sai trái trong quá trình thực hiện các quy định về ATTP, từ đó tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 08,công tác quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh ta được tăng cường;nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cản bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức về an toàn thực phẩm được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn 6mặttồn tại, hạn chế như trong báo cáo đã nêu.
Trong thời gian tới,đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung thực hiện kịp thời,có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm hướng tới nâng cao chất lượng thực phẩm phục vụ đời sống, để người dân yên tâm sử dụng những thực phẩm sạch, an toàn.
Đó là:Các cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, xác định việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo;triển khai kịp thời,thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 13/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "tăng cường sự lãnh đạo về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường", Chỉ thị số13/CT-TTg, ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc "tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm".
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới"; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng năm đưa tiêu chí về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là một nội dung trong xây dựng nông thôn mới,là tiêu chí để bình xét khu dân cư,cơ quan, đơn vị văn hóa.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm về ATTP cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường đưa phóng sự, tin, bài, chuyên trang, chuyên mục, thông tin kịp thời, khách quan, trung thực về tình hình, những gương điển hình trong sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn, các vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện; phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức hoạt động thông tin,tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các quy định về ATTP để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người quản lý, sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, cộng đồng xã hội về vấn đề ATTP.
Phát động phong trào thực hiện ATTP gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Định kỳ sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm.
UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành liên quan triển khai kịp thời,thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TTg, ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc "tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm"; Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 13/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "tăng cường sự lãnh đạo về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường"; tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả nội dung Luật An toàn thực phẩm, Chỉ thị số 08-CT/TW, Thông tri số 08-TT/TU và các văn bản quy định của Đảng, Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong năm 2016, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, ưu tiên đảm bảo nguồn lực, kinh phí, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm.
UBND các cấp, các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ quản lý về an toàn thực phẩm có trách nhiệm củng cố, tăng cường nhân lực, phương tiện làm việc, kinh phí cho các cơ quan, đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở.
Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đề cao vai trò của thực phẩm sạch gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm - chủ trì tham mưu cho Ban Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, chuyên ngành, liên ngành; đặc biệt là kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Công an tỉnh thường xuyên nắm tình hình tại các địa phương, địa bàn trọng điểm về vi phạm, tội phạm an toàn thực phẩm, điều tra, phát hiện, xử lý hình sự về các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật...
Hồng Vân-Minh Quang