Các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dự và chỉ đạo hội nghị.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng bộ tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Đội ngũ báo cáo viên đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, không ngừng nỗ lực phấn đấu, bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của đất nước, phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, thực sự là nòng cốt, xung kích trên lĩnh vực tuyên truyền miệng. Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên trong từng cấp ủy đi vào nề nếp, phương thức hoạt động từng bước được đổi mới, chất lượng hoạt động được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; động viên được sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Hưởng ứng cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam", tỉnh ta có 126.721 người ở 10 địa phương, đơn vị tham gia, gồm 8 huyện, thành, thị ủy, Đảng bộ Khối cơ quan tỉnh, Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh (các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia theo hệ thống của lực lượng vũ trang với 3.066 người). Các đơn vị có nhiều người tham gia là: Thành phố Ninh Bình 21.726 người, huyện Nho Quan 21.687 người, huyện Kim Sơn 20.750 người, người dự thi cao tuổi nhất là cụ Vũ Viết Tiến, 94 tuổi ở huyện Nho Quan, người dự thi nhỏ tuổi nhất là 9 tuổi ở huyện Hoa Lư.
Qua kết quả chấm thi của Ban giám khảo từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, chất lượng các bài dự thi phản ánh người dự thi đã bám sát yêu cầu, các chủ đề mà thể lệ cuộc thi đã đặt ra, cả 11 chủ đề đều có người tham gia, trong đó những chủ đề mang tính tự luận cao, đòi hỏi tính sáng tạo, tính thực tiễn như viết về tình cảm keo sơn gắn bó giữa hai dân tộc trong những năm tháng chiến tranh cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay; cảm nghĩ về nền văn hóa, đất nước, con người Lào; những kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc… được nhiều người chọn làm bài dự thi. Nhiều bài thể hiện sự công phu trong nghiên cứu tài liệu và cách thể hiện.
Ban tổ chức đã trao giải nhất tập thể (giấy chứng nhận và tiền thưởng) cho Đảng bộ huyện Nho Quan; giải nhì cho Đảng bộ thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình; giải ba cho Đảng bộ Khối cơ quan tỉnh, huyện Kim Sơn và Yên Khánh; trao giải nhất cá nhân cho Lâm Thị Quỳnh Anh (Nho Quan); giải nhì cho Nguyễn Đình Chuyên (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), Vũ Thị Loan (thị xã Tam Điệp); giải ba cho Bùi Bích Thu (Nho Quan), Phạm Thị Minh Chính (Yên Khánh), Phạm Thị Thanh Xuân (thành phố Ninh Bình) và 10 giải khuyến khích cho các cá nhân.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và biểu dương những thành tích, kết quả đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 17 của đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền miệng ở tỉnh ta những năm qua.
Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 17, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên… Tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh với cấp ủy Đảng, chính quyền xem xét, giải quyết.
Chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên các cấp có chất lượng, gồm những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống tốt, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tận tụy với công việc, nắm vững lý luận, có khả năng tổng kết thực tiễn, khái quát vấn đề, có khả năng viết, nói và thuyết phục quần chúng.
Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp thông tin chính thống cho đội ngũ báo cáo viên.
Đề cao tinh thần tự nghiên cứu, tự học tập, nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền miệng; quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về chế độ, chính sách cho báo cáo viên. Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên các cấp…
Đỗ Bằng