PV: Những tháng đầu năm 2017, dịch cúm gia cầm đã có những diễn biến khá phức tạp. Đồng chí có thể cho biết về tình hình cụ thể hiện nay? Ông Đinh Quốc Sự: Theo thông tin mới nhất từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp &PTNT, hiện nay ở một số địa phương đã xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày là Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi. Trong đó cúm A/H5N1 xảy ra tại 5 hộ của 5 xã và cúm A/H5N6 xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi của 1 xã. Tại Nam Định, địa phương giáp ranh với tỉnh ta dịch cũng xảy ra dịch nhưng đã qua 21 ngày.
Đáng lo nhất hiện nay là virus cúm A/H7N9 vì khi gia cầm mắc virus không có triệu chứng lâm sàng nhưng khi nhiễm sang người tỷ lệ tử vong cao. Tại Trung Quốc, đã ghi nhận trên 450 trường hợp cúm A/H7N9 ở người với gần 100 trường hợp đã tử vong, trong đó có hai tỉnh giáp biên giới với Việt Nam là Quảng Tây và Vân Nam.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã lấy trên 202.000 mẫu môi trường, gia cầm, người tại 200 chợ, tụ điểm có nguy cơ cao của 20 tỉnh, thành phố, trong đó có cả Hà Nội nhưng các mẫu chưa phát hiện dương tính với cúm A/H7N9. Tuy nhiên nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao.
Tại tỉnh ta, gần đây, ở một số hộ chăn nuôi vịt, khi mua con giống ở các tỉnh ngoài về sau một thời gian ngắn đã xảy ra hiện tượng vịt ốm chết với những biểu hiện triệu chứng của bệnh cúm. Chi cục đã kết hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, lấy mẫu và triển khai các biện pháp ngăn chặn, khống chế không để ổ dịch phát sinh và lây lan.
PV: Như vậy, các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và con giống gia cầm không rõ nguồn gốc sẽ là một trong những nguy cơ cao khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Vậy ngành đã có những giải pháp gì để kiểm soát tốt hơn vấn đề này, thưa ông?
Ông Đinh Quốc Sự: Thực tế hiện nay, công tác quản lý vận chuyển, giết mổ gia cầm sống gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt việc vận chuyển giết mổ nhỏ lẻ chưa kiểm soát được, hầu hết gia cầm đang được vận chuyển đến chợ để bán, giết mổ tại chợ với các điều kiện về vệ sinh thú y không đảm bảo làm cho nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Do vậy, hiện chúng tôi đang tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý các chợ siết chặt quản lý, kiên quyết xử phạt những hộ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không chấp hành các quy định của pháp luật.
Cùng các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, an ninh kinh tế, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chi cục cũng đã sớm thành lập 2 đội kiểm tra lưu động, đặt chốt kiểm dịch tạm thời tại chân cầu Non Nước mới thuộc địa bàn thành phố Ninh Bình và chân cầu Khuất, thuộc địa bàn xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn để kiểm tra phương tiện vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm vào địa bàn tỉnh. Những ngày đầu kiểm tra, đã phát hiện và xử lý tổng số 5 xe vận chuyển gia súc, gia cầm mà không khai báo, không có giấy chứng nhận kiểm dịch; tổng số tiền xử phạt hơn 5 triệu đồng.
PV: Thời gian tới ngành sẽ triển khai những giải pháp nào để ngăn chặn dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan?
Ông Đinh Quốc Sự: Triển khai chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp &PTNT và Công văn hỏa tốc số 41 ngày 23-2-2017, Công điện số 01 ngày 23/02/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường phòng, chống dịch cúm A/H5N1, A/H5N9 trên địa bàn tỉnh, Chi cục đang tập trung triển khai nhiều biện pháp như: Tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm theo đúng quy định; tạm ngừng ấp nở và nuôi mới gia cầm tại các địa phương trong thời gian có dịch.
Tăng cường giám sát dịch bệnh từ hộ chăn nuôi cho đến các thôn, xóm và mạng lưới thú y, đặc biệt nơi có ổ dịch cũ. Xử lý tiêu hủy kịp thời gia cầm có biểu hiện bệnh cúm, khống chế những ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh. Triển khai tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1, vụ xuân 2017. Chi cục cũng đã chuẩn bị 2 triệu liều vắc xin cúm gia cầm cấp theo yêu cầu của các địa phương.
Một số huyện như Yên Mô, Nho Quan, Kim Sơn, Yên Khánh, Gia Viễn, Hoa Lư hiện nay đã tiến hành tiêm phòng (sớm hơn so với kế hoạch). Bên cạnh đó, triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng từ ngày 10-3 đến ngày 10-4.
PV: Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ngành chức năng có khuyến cáo gì đối với người dân để bảo vệ tốt đàn vật nuôi cũng như sức khỏe của bản thân?
Ông Đinh Quốc Sự: Hiện thời tiết đang diễn biến rất phức tạp, trong khi đàn gia cầm hầu hết chưa được tiêm phòng trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ… đang là những nguy cơ rất cao có thể làm dịch bệnh bùng phát và lây lan. Đặc biệt là chủng vi rút H7N9 hoàn toàn không có biểu hiện trên gia cầm, nên rất khó để biết con gia cầm nào nhiễm virút để phòng tránh. Việc quan trọng nhất là người dân phải có kiến thức và có ý thức về phòng bệnh.
Đối với người chăn nuôi, nên mua giống từ nơi có nguồn gốc rõ ràng, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, khử trùng tiêu độc và tiêm phòng vắc - xin cúm A/H5N6, cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm, đặc biệt không vứt xác gia cầm ốm, chết bừa bãi.
Người tiêu dùng mua sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm soát thú y, kiểm soát giết mổ, không nên ăn tiết canh; thịt và trứng gia cầm phải nấu chín và khi tiếp xúc với gia cầm ốm, chết phải rửa tay bằng xà phòng. Với những người phải tiếp xúc với gia cầm (như buôn bán, giết mổ) phải vệ sinh cá nhân thường xuyên như: rửa tay bằng xà phòng, bảo hộ (bịt mặt), không giết mổ gia cầm ốm, chết…
Đặc biệt điều tôi muốn lưu ý ở đây, đó là sản phẩm gia cầm khỏe mạnh, rõ nguồn gốc vẫn sử dụng bình thường, người dân không nên hoang mang, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hà Phương (thực hiện)