Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 100 chợ truyền thống, tại các chợ này đều có hoạt động buôn bán và giết mổ gia cầm sống. Gần như 100% các điểm giết mổ này lại không đảm bảo vệ sinh và không đủ điều kiện giết mổ. Cụ thể tại chợ Bắc Sơn (thị xã Tam Điệp), cả một khu buôn bán gia cầm, các chủ hàng đều giết mổ giúp người mua. Khu này không được quy hoạch để giết mổ nên không có khu thải nước, không có nguồn nước sạch, nền chợ sình lầy; nước thải, phân, lông gia cầm để bừa bãi… Đặc biệt, những người trực tiếp giết mổ gia cầm không hề mang trên mình một dụng cụ bảo hộ nào như: khẩu trang, găng tay, ủng… Một thực tế mà không phải ai cũng biết, nếu dịch cúm gia cầm xuất hiện, người trực tiếp giết mổ gia cầm không được bảo hộ đầy đủ sẽ là người đầu tiên bị lây nhiễm virút cúm A (H5N1) và khả năng tử vong rất cao. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp & PTNT, tại các chợ kinh doanh gia cầm sống có tỷ lệ lưu hành virút cúm A (H5N1) khá cao (6%). Đây cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh lớn nếu thiếu cảnh giác và không vệ sinh tiêu độc thường xuyên. Ngay trong những ngày đầu năm 2014 , trên địa bàn cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do lây nhiễm virút cúm gia cầm H5N1 bởi sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc.
Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Việc mổ thịt gia cầm đơn giản, dễ làm nên nhiều tiểu thương tự giết mổ gia cầm tại nhà, tại chợ để bán. Hơn nữa, hiện nay tỉnh ta vẫn chưa có các lò mổ tập trung, do vậy việc kiểm soát hoạt động này rất khó khăn. Hiện tại, Chi cục đang tăng cường kiểm tra và xử lý mạnh hơn, triệt để hơn đối với tình trạng kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm sống chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y.
Theo đó, Chi cục thành lập hai đội lưu động thường xuyên đi kiểm tra tại tất cả các chợ, các tụ điểm tập kết, giết mổ gia súc, gia cầm lớn. Đồng thời phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và cảnh sát môi trường để thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý các cơ sở kinh doanh, giết mổ, vận chuyển gia cầm không đảm bảo.
Ông Phạm Đức Trung, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch, Chi cục Thú y tỉnh cho biết thêm: Là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm ra vào trên địa bàn tỉnh, những ngày qua Trạm đã khẩn trương tiến hành rà soát, thống kê lại toàn bộ các hộ có hoạt động buôn bán, kinh doanh, giết mổ gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đến tận từng hộ để kiểm tra về các điều kiện hành nghề.
Trong đó, Trạm đặc biệt quan tâm đến những nhóm đối tượng thương lái buôn bán gia cầm với số lượng lớn, có hoạt động vận chuyển, buôn bán với tỉnh ngoài. Phối hợp với thú y địa phương giám sát chặt chẽ về nguồn gốc, số lượng, chủng loại gia cầm mà các hộ này xuất đi hoặc nhập về.
Cùng với việc kiểm tra, giám sát Trạm cũng thường xuyên tuyên truyền cho các đối tượng này về chủ trương, pháp luật của Nhà nước trong vận chuyển, buôn bán gia cầm, yêu cầu tuyệt đối không mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm từ nơi có dịch, không đảm bảo vệ sinh thú y.
Theo thống kê mới nhất của Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 hộ buôn bán gia cầm lớn với số lượng khoảng 3 nghìn con/tháng. Nhìn chung, các hộ này chấp hành tương đối tốt các quy định về vận chuyển, buôn bán gia cầm. Nhưng thực tế cho thấy, ngoài những hộ buôn bán gia cầm lớn được kiểm soát vẫn còn hàng nghìn hộ buôn bán gia cầm nhỏ lẻ khác, ngành thú y không thể kiểm soát được.
Do vậy rất cần có sự phối hợp của Ban quản lý các chợ và đặc biệt là chính quyền địa phương trong việc giám sát, vận chuyển gia cầm cũng như giải quyết dứt điểm tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y.
Đặc biệt những người giết mổ, buôn bán gia cầm cần tự ý thức trong việc sử dụng đồ bảo hộ lao động trong khi làm việc; người tiêu dùng cũng nên chọn sản phẩm gia cầm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đã qua kiểm dịch. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe của chính mình khi dịch cúm gia cầm đang đến hồi báo động.
Bài, ảnh: Hà Phương