Kỳ 3: Tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm những vi phạm
Quy định đã có nhưng bị "thả nổi"
Năm 2004, lần đầu tiên thuật ngữ "bán hàng đa cấp" được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam tại khoản 11, Điều 3, Luật Cạnh tranh. Tiếp sau đó, Chính phủ và Bộ Công thương cũng ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện đối với hoạt động này.
Sau gần 10 năm thực hiện, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp đã bộc lộ một số bất cập, hoạt động bán hàng đa cấp xuất hiện nhiều biến tướng theo chiều hướng tiêu cực, khiến cho hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng trở nên xấu đi trong mắt cộng đồng xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này.
Năm 2014, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó nghiêm cấm một số hành vi như: Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa, đặt cọc, đóng một khoản tiền...; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác…
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều công ty bán hàng đa cấp không tuân thủ các quy định này. Thậm chí, nhiều công ty đã lợi dụng giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp để trục lợi từ khoản chênh lệch khổng lồ giữa giá bán và giá trị thật của sản phẩm.
Điển hình như vụ việc của Công ty TNHH MTV An Thành và Công ty TNHH MTV An Phú dù không đăng ký hoạt động tại Ninh Bình nhưng đã có hành vi tổ chức hoạt động khuyến mại không đúng với thông tin phải thông báo công khai khi đăng ký với Sở Công thương.
Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương đã có văn bản đình chỉ hoạt động khuyến mại đối với 2 Công ty này.Đồng chí Nguyễn Khải Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường lấy dẫn chứng.
Không chỉ vậy, việc xử lý vi phạm lại càng bất cập hơn. Tại Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh hàng đa cấp thì chỉ có Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) là có thẩm quyền. Vì vậy, dù phát hiện ra sai phạm, đơn vị cũng phải chờ quyết định xử phạt từ Cục Quản lý cạnh tranh, thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian.
Cụ thể, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra cơ sở kinh doanh Hoàng Phi (tại thành phố Ninh Bình) thuộc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, phát hiện chủ cơ sở là ông Nguyễn Ngọc Tú đã có hành vi tham gia bán hàng đa cấp vi phạm Quy tắc trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Sở Công thương chỉ đạo Chi cục tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời đình chỉ hoạt động bán hàng đa cấp đối với cơ sở Hoàng Phi. Tuy nhiên, Sở Công thương đã phải kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh đến lần thứ hai thì Cục mới có văn bản xử lý đối với trách nhiệm của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy do: "Không thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để đảm bảo người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng Quy tắc hoạt động của doanh nghiệp".
Mặt khác, do mẫu thông báo tiếp nhận doanh nghiệp bán hàng đa cấp được thống nhất từ Trung ương, trong đó không có quy định rõ doanh nghiệp phải ghi địa chỉ hoạt động cụ thể, thế nên nhiều doanh nghiệp "cố tình" bỏ trống mục này, thậm chí phần ghi "người liên hệ tại địa phương" cũng bị để trống khá nhiều. Đây chính là một trong những kẽ hở dẫn đến tình trạng lừa đảo trong kinh doanh đa cấp.
Theo thống kê của Sở Công thương, trong số 25 doanh nghiệp có thông báo bán hàng đa cấp trên địa bàn thì chỉ có 4 doanh nghiệp có thông báo địa chỉ văn phòng tại Ninh Bình, còn tất cả các doanh nghiệp khác đều không có đăng ký địa điểm hoạt động.
Theo quy định khi tổ chức hội thảo thì doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan nhà nước song họ lại tìm cách lẩn tránh sự kiểm soát của ngành chức năng dưới hình thức họp nhóm tại nhà các thành viên. Điều này đã gây khó khăn trong công tác quản lý và công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động bán hàng đa cấp.
Hàng loạt các sai phạm của các công ty đa cấp diễn ra trên phạm vi cả nước song đến nay số người tham gia vẫn rất đông. Phải chăng chúng ta đang thiếu kiên quyết trong xử lý những sai phạm của các công ty kinh doanh đa cấp.
Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn chưa được quan tâm đúng mức.
Cần có quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp
Theo bà Phạm Thị Hồng, qua vụ việc của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp đang hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh lập lại hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp tại Ninh Bình, gửi Sở Công thương để được xem xét tiếp nhận theo quy định.
Sở chỉ xem xét xác nhận tiếp nhận thông báo hoạt động đối với các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp có trụ sở chính hoặc có đăng ký hoạt động chi nhánh và đăng ký địa điểm kinh doanh tại Ninh Bình, theo quy định tại Điều 33, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Sở Công thương cũng đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương sớm sửa đổi Thông tư 24/2014/TT-BCT ngày 30-7-2014 cho phù hợp với Điều 33, Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 về đăng ký doanh nghiệp và Điều 6, Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT quy định về "Địa điểm kinh doanh" của doanh nghiệp và cấp "Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh" của doanh nghiệp.
Đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh xem xét kiểm tra kỹ về chất lượng và giá bán các loại hàng hóa trong "Danh mục sản phẩm kinh doanh" theo phương thức đa cấp kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Về phía người dân, theo đồng chí Nguyễn Khải Hoàn, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường: ở góc độ cơ quan chức năng chúng tôi cũng rất băn khoăn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động này. Đặc biệt chúng tôi rất mong có sự hợp tác của người dân, chính quyền địa phương, kể cả khu dân phố để thông tin đến cơ quan Quản lý Thị trường gần nhất.
Đối với người dân đã tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp, Sở Công thương đã phối hợp với Công an tỉnh thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, các địa phương về việc bán hàng đa cấp bất chính.
Theo đó, yêu cầu những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty cổ phần Liên kết sản xuất - thương mại Việt Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đem hồ sơ, tài liệu liên quan đến Sở Công thương hoặc Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh để được xem xét giải quyết những quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.Đề nghị nhân dân cảnh giác với những hoạt động tương tự như Liên Kết Việt vừa qua, đồng thời cảnh giác với hoạt động bán hàng đa cấp có biểu hiện bất chính như: Yêu cầu người tham gia đóng một khoản tiền hoặc phải mua một lượng hàng hóa ban đầu để được tham gia vào mạng lưới; huy động vốn thông qua các gói tín dụng; cho hưởng lợi chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới; mua các lô hàng lớn nhưng không quan tâm đến việc tiêu thụ...
Nếu phát hiện thấy những biểu hiện nêu trên đề nghị nhân dân phản ánh kịp thời đến Sở Công thương hoặc Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Ninh Bình.
Bảo Yến
Kỳ 1: Bán hàng đa cấp ở làng quê
Kỳ 2: Kinh doanh đa cấp khó quản lý do đâu?