Tại Bệnh viện Sản-Nhi, ngay từ cổng vào, đội ngũ nhân viên y tế đã tiến hành đo kiểm tra thân nhiệt, sau đó dán tem "đã kiểm tra" cho người dân đến khám, điều trị, khách vào viện. Đồng thời yêu cầu tất cả mọi người thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang tại cơ sở y tế. Tiếp đó, tại sảnh Bệnh viện, các bàn khai báo y tế được kê đảm bảo giãn cách 2m, các nhân viên tại đây thực hiện hướng dẫn, phân luồng bệnh nhân đến các khoa, phòng khám, làm các thủ tục nhập viện, từ đó có thể nắm bắt được các trường hợp từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày hay có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19. Anh Trương Công Phi, xã Văn Phương (huyện Nho Quan) cho biết: Trước khi vào Bệnh viện chúng tôi thực hiện đầy đủ các quy định về đo thân nhiệt, khai báo y tế, đeo khẩu trang… Tôi nghĩ việc làm này là rất cần thiết, trong điều kiện hiện nay có khá nhiều ổ dịch được phát hiện và lây nhiễm chéo tại các bệnh viện.
Hiện nay, theo quy định của ngành Y tế, tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều đã thực hiện nghiêm việc đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, phân loại người bệnh. Tuyệt đối không để người bệnh có dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ vào chung phòng chờ khám bệnh với người bệnh khác. Đội ngũ nhân viên y tế cũng được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
Bác sỹ Nguyễn Thị Huyền, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch và tổ chức quản lý chặt chẽ bệnh nhân ra, vào viện. Từ ngoài cổng, Bệnh viện bố trí lực lượng đoàn viên kiểm soát 24/24h, bệnh nhân, người nhà đến viện phải đo nhiệt độ, khai báo nhanh y tế, nếu có triệu chứng bất thường sẽ được phân luồng ngay ngoài cổng, hướng dẫn bệnh nhân đến phòng nghi ngờ bệnh lý COVID, còn lại được hướng dẫn vào khám, chữa bệnh bình thường. Khi vào Bệnh viện, tại các khoa, phòng đều trang bị nước sát khuẩn, bệnh nhân được hướng dẫn dùng nước sát khuẩn, yêu cầu 100% bệnh nhân, người nhà phải đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách cần thiết khi ngồi chờ khám, chữa bệnh...
Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, xã Ninh Thắng (huyện Hoa Lư) thời gian qua thực hiện cách ly, điều trị cho 10 bệnh nhân nhập cảnh về Việt Nam từ Liên bang Nga. Hiện đã có 9 bệnh nhân được chữa khỏi, xuất viện, chỉ còn 1 bệnh nhân tiếp tục cách ly, điều trị tại đây. Bác sỹ Trần Văn Doanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư cho biết: Tại Phòng khám có hơn 10 cán bộ, y, bác sĩ tham gia theo dõi sức khỏe và điều trị cho bệnh nhân. Tất cả nhân viên y tế và người bệnh đều thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống và điều trị bệnh của ngành Y tế. Trung tâm cũng cung cấp đầy đủ vật tư y tế, trang thiết bị, dụng cụ cho nhân viên y tế, đồng thời đề nghị trong quá trình khám, chữa bệnh, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh, xử lý rác thải, không để lây nhiễm cho đội ngũ y, bác sĩ và người phục vụ. Đồng thời, cùng với lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho bệnh nhân, tổ chức lấy mẫu cho các nhân viên y tế nhằm sàng lọc kịp thời, không để lây nhiễm chéo tại cơ sở điều trị.
Tính từ thời điểm xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã điều trị và xuất viện cho 23/24 bệnh nhân nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Tổng số bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm được cách ly, giám sát và điều trị tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh gần 500 người. Để kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh lây lan, các cơ sở y tế đều khẩn trương rà soát, củng cố và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh do Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, thực hiện giãn cách tại các khu vực tập trung đông người, tăng cường sàng lọc, chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ, qua đó phát hiện sớm ca bệnh và cách ly kịp thời. Do thực hiện nghiêm quy trình khám, chữa bệnh, quy trình điều trị, xét nghiệm sàng lọc, thời gian qua, tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh không để xảy ra trường hợp nào lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân cho y, bác sĩ, từ bệnh nhân cho người khám, chữa bệnh và lây nhiễm ra cộng đồng.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Ngay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh và ngành Y tế đã nhanh chóng chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan, đặc biệt là tăng cường công tác giám sát tại các bệnh viện lớn, như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, các bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế các huyện, thành phố có nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra, vào hàng ngày, phân luồng, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng, Quảng Nam và từ các địa phương, vùng có dịch vào thăm khám tại cơ sở y tế để có biện pháp phòng bệnh.
Ngành Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí, đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân trên địa bàn nhận biết và thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở để theo dõi, quản lý ca bệnh theo quy định. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài ứng dụng Bluezone để khai báo lịch sử dịch tễ, bảo vệ người thân, gia đình. Đồng thời thường xuyên túc trực số điện thoại đường dây nóng của ngành để tiếp nhận thông tin về các trường hợp người có triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2... Cùng với đó, tiếp tục duy trì các đội cơ động phản ứng nhanh, sẵn sàng tổ chức khoanh vùng, dập dịch hoặc hỗ trợ tuyến dưới trong việc cấp cứu, vận chuyển người bệnh...
Hiện nay, tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm quy trình đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, phân loại người bệnh. Cùng với đó, các đơn vị cũng hạn chế tối đa người nhà đến thăm, chăm sóc người bệnh, khuyến cáo chỉ một người chăm sóc bệnh nhân. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư, phương tiện bảo hộ cho nhân viên y tế... Đồng thời, yêu cầu mỗi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện đúng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, chung sức, đồng lòng trong công tác phòng, chống và khống chế dịch bệnh COVID-19.
Bài, ảnh: Hạnh Chi