Hạnh phúc là khi được sẻ chia
Đã có không ít đồng nghiệp viết về ông Phạm Quyết Thắng (xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư) - một thầy giáo nghiệp dư, có hàng chục năm dạy nhạc cho trẻ em nghèo. Chúng tôi tìm gặp ông khi ngày "Quốc tế hạnh phúc" đang cận kề. Ông Thắng bảo hơn 20 năm qua, với ông ngày nào cũng là ngày hạnh phúc. Hạnh phúc không xa vời, khó kiếm tìm như nhiều người vẫn tưởng mà hạnh phúc thật đơn giản vẫn tồn tại ở trong cuộc sống thường ngày.
Với ông Thắng, hạnh phúc ấy là khi học trò nhỏ vụng về biết chơi nốt nhạc đầu tiên, là khi các em trưởng thành từ lớp học miễn phí này, là mỗi dịp các em học sinh lại tề tựu về đây, thầy trò cùng nói chuyện về âm nhạc, về tình yêu, niềm đam mê dành cho âm nhạc…
Ông Thắng bảo, từ nhỏ, ông đã rất mê âm nhạc, nhất là chơi các nhạc cụ dân tộc.
Khi nghỉ hưu, ông Thắng trở về sinh sống tại xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư. Cuộc sống ở nơi "chôn nhau cắt rốn" ấy khiến ông Thắng luôn trăn trở, nhiều trẻ em trong thôn, ngoài xóm còn khó khăn không có điều kiện tiếp cận với âm nhạc, nhất là những dịp nghỉ hè, nhiều em nhỏ lại sa đà vào những trò chơi không bổ ích. Từ đó, ông có ý tưởng mở lớp dạy nhạc miễn phí tại nhà. Lớp học của ông đã nhận được sự hưởng ứng, động viên của gia đình và đông đảo bà con trong xóm.
Từ đây nhiều em say mê âm nhạc đã được ông dìu dắt, rèn luyện trở nên chăm ngoan, học giỏi và nhiều em đã có bước trưởng thành trên lĩnh vực này. Không chỉ trẻ nhỏ, lớp học của ông Thắng còn thu hút sự tham gia của các học trò rất đặc biệt, đó là các chị phụ nữ, các cụ phụ lão… có niềm đam mê âm nhạc.
Hạnh phúc ngay cả trong nỗi nhớ, đợi chờ…
Tạm biệt thầy giáo Phạm Quyết Thắng, chúng tôi đi ngược lên thôn Đầm Bái, xã Gia Tường (huyện Nho Quan) để gặp chị Minh Ngọc - vợ thiếu úy Trần Duy Tâm. Một mình nuôi con, phụng dưỡng mẹ chồng để chồng yên tâm làm nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/18, chưa bao giờ là sự nhọc nhằn, vất vả đối với chị Ngọc, mà ngược lại, với chị đó lại là niềm hạnh phúc rất đỗi tự hào mà ít ai có được. Ngọc nói, quê Ngọc ở Thanh Hóa.
"Trước khi yêu anh Tâm, tôi chưa hiểu hết được những vất vả trong việc thực hiện nhiệm vụ của một người lính, lại càng chưa hiểu hết được những thiệt thòi mà vợ, con người lính phải trải qua. Khi yêu anh rồi, trong những cánh thư viết vội hay trong những phút giây trò chuyện ngắn ngủi qua điện thoại, anh Tâm kể cho tôi nghe về cuộc sống của người lính đảo.
Nơi các anh làm việc không có phòng ốc sang trọng, không có đầy đủ máy tính hay mạng internet… mà nơi ấy chỉ có sóng, gió, và bốn bề là biển làm bạn. Anh Tâm cũng nói với tôi rằng, nhiều người yêu lính biển lắm, nhưng không phải ai cũng đủ nghị lực và niềm tin để trở thành vợ của lính biển. Rồi anh ngậm ngùi kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình của nhiều đồng chí, động đội ở đơn vị anh: Có người vợ sinh con đến hàng năm trời mà vẫn chưa biết mặt cha; có người thì con ốm đi bệnh viện, lo đứng lo ngồi mà cũng không thể về cùng san sẻ nỗi lo, gánh nặng cùng vợ, con… rồi anh khuyên tôi nên suy nghĩ thật kỹ để lựa chọn cho mình một cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn.
Nghe anh Tâm nói mà tôi chỉ biết khóc. Tôi khóc không phải vì tôi lo sợ nếu lấy anh thì tôi sẽ là một trong những hoàn cảnh của đồng chí, đồng đội mà anh kể, mà tôi khóc vì khi càng hiểu thì tôi càng thêm yêu thương hơn những người lính chân thành. Tình yêu ấy, sự biết ơn ấy không chỉ dành riêng cho người tôi yêu, mà còn dành cho tất cả những ai mặc màu áo lính…"- chị Ngọc tâm sự.
Cưới nhau hơn 1 tháng thì anh Tâm lại ra Nhà giàn làm nhiệm vụ. Chị Ngọc ở nhà trong sự yêu thương của gia đình nhà chồng và hạnh phúc cùng cả gia đình chờ đợi ngày đứa con đầu lòng được chào đời. "Thời bình, mà vợ lính xa chồng đằng đẵng là một thiệt thòi lớn đối với phụ nữ.
Nhiều khi con ốm, mẹ đau, chỉ cần có một bờ vai của chồng để tựa vào san sẻ.."- chị Ngọc nói. Nhưng rồi chị lại tự mình an ủi mình, phải thật vững vàng để trở thành điểm tựa cho con và để cho chồng yên tâm công tác. Dù ở nhà có khó khăn, nhưng cũng không so sánh với sự hy sinh của các anh và đồng đội nơi đầu sóng, ngọn gió. Chị gửi con gái đến lớp, còn chị mở một hiệu bán thuốc tân dược nho nhỏ. 7 giờ sáng, chị đưa con đi nhà trẻ rồi về nhà chăm chút cho cửa hàng, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị cho con gái bữa cơm ngon miệng.
Buổi chiều, đón con rồi hai mẹ con nhóm lửa nấu cơm. Nghe con gái ríu rít kể cho mẹ nghe chuyện trường, chuyện lớp, mọi vất vả, mệt nhọc bỗng chốc tan biến. Bữa ăn đạm bạc, chút thức ăn ngon chị Ngọc phần cho con. Vất vả, khó khăn là đó, song hơn tất cả đó là niềm tự hào, kiêu hãnh vì mẹ con chị đã có một tình yêu lớn ngoài đảo xa.
Bù lại thiệt thòi sau những ngày xa cách ấy là tình yêu, sự cảm phục của anh Tâm dành cho vợ con. Bây giờ phương tiện liên lạc hiện đại hơn nhiều nên anh chị thường xuyên được nghe giọng nói của nhau qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi. "Song, tôi vẫn còn vẹn nguyên cảm giác xúc động mỗi lần nhận được thư của anh. Vỏn vẹn vài dòng nhưng chất chứa bao yêu thương. Bằng tình yêu ấy, tôi lại can trường vượt qua khó khăn nuôi con khôn lớn để chồng yên tâm công tác.
Với tôi, hạnh phúc không phải chỉ một ngày, chẳng phải chỉ một lần mà mỗi ngày đều là hạnh phúc. Trái tim mình yêu thương thì hạnh phúc sẽ ngập tràn ngay cả khi phải đợi chờ trong nỗi nhớ khắc khoải" - chị Ngọc nói.
Đào Hằng