Sau Tết, doanh nghiệp tuyển dụng lao động… "nhỏ giọt"
Thứ Hai, 06/02/2023, 05:00
Zalo
Thị trường lao động những tháng đầu năm 2023 chưa có nhiều khởi sắc, mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để duy trì và phát triển sản xuất. Số liệu từ các phiên giao dịch việc làm đầu năm cho thấy, khác với mọi năm, năm nay, không có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn.
Sau Tết, doanh nghiệp tuyển dụng lao động… "nhỏ giọt"
Công ty TNHH giầy Athena Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2017. Hiện nay, Công ty có trên 8.800 người lao động. Từ năm 2020-2022, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song bằng sự nỗ lực, quyết tâm và chủ động phát huy nội lực, doanh nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2022, tổng doanh thu của Công ty đạt trên 1.200 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 9,7 tỷ đồng. Quy mô công suất thực tế của nhà máy năm 2022 đạt trên 10,6 triệu sản phẩm/năm, tăng 10% so với năm 2021. Mức lương bình quân trong năm 2022 đạt 6.458.000 đồng/người/tháng. Cũng trong năm 2022, Công ty có 2 lần tăng lương, tổng hai lần tăng lương là 20,4% lương cơ bản. Ngoài ra, từ tháng 3/2022, Công ty bắt đầu bổ sung thêm phụ cấp tiền gắn bó cho người lao động.
Năm 2023, Công ty phấn đấu đạt năng suất khoảng 10 triệu sản phẩm/năm, với tổng doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, Công ty liên tục tuyển dụng và cần tuyển gấp khoảng 1.000 công nhân có thể đi làm ngay.
Để thu hút được nguồn lao động, Công ty liên tục đăng tin tuyển dụng trên hệ thống các trang mạng của Công ty kết hợp với việc đăng thông tin tuyển dụng tại trụ sở, các khu vực thích hợp và phát hành tờ rơi tuyển dụng. Năm 2023, Công ty phấn đấu chi trả mức lương bình quân từ 6,5-7 triệu đồng/người/tháng cho người lao động, ngoài ra còn có các khoản phụ cấp, hỗ trợ, thưởng.... theo quy định.
Theo đại diện phòng nhân sự Công ty TNHH Giày Athena, mặc dù liên tục tuyển dụng lao động, song so với những năm trước thì mức tuyển dụng hiện nay có giảm. Nguyên nhân là do lực lượng lao động của Công ty khá ổn định sau Tết Nguyên đán. Trong khi đó, việc mở rộng, tìm kiếm thêm các đơn hàng lớn trong bối cảnh hiện nay cũng còn có mức độ.
Tuy nhu cầu tuyển dụng có giảm so với những năm trước, song Công ty TNHH Giày Athenla vẫn là một trong số ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng tới hàng nghìn lao động kể từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão.
Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong các phiên giao dịch tháng 1, tháng 2 và một phiên online sắp tới, tổng chỉ tiêu tuyển dụng của 95 lượt doanh nghiệp là trên 11 nghìn lao động. Trong đó, vị trí việc làm chủ yếu là lao động qua đào tạo, lao động làm việc ở bộ phận gián tiếp, lao động trong các ngành dịch vụ, du lịch… với số lượng tuyển chỉ từ vài chục đến vài trăm lao động/lượt đăng ký. Những doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, giày da, điện tử… vốn có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn thì năm nay việc tuyển dụng rất cầm chừng.
Theo đại diện Phòng Thông tin thị trường (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh), so với cùng kỳ năm ngoái, lượng lao động tuyển dụng năm nay có giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ký đơn hàng mới, có đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng và người lao động gần như không phải tăng ca sản xuất. Đây là khó khăn đã xuất hiện từ những tháng cuối của năm 2022.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đa dạng các hoạt động kết nối cung- cầu lao động.
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có trên 3.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo số liệu từ LĐLĐ huyện, thành phố, Công đoàn ngành, đến 20/12/2022 có 10.324 công nhân phải giảm giờ làm và 875 người mất việc làm tại 24/258 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, trong đó 5 doanh nghiệp trong các KCN (7.688 lao động giảm giờ làm, 431 lao động mất việc làm tại các doanh nghiệp như: Vienergy, Mcnex, Great Global, ADM21, AUSTDOOR Ninh Bình).
Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, tính đến ngày 30/1/2023, có 293/298, đạt 98,32% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh quản lý đã trở lại hoạt động bình thường. Có 2 doanh nghiệp phải sang tháng 3/2023 mới hoạt động trở lại, nguyên nhân do ít đơn hàng; có 3 doanh nghiệp ngừng hoạt động…
Các cấp Công đoàn đã thống kê số lượng người lao động thiếu việc làm trong quý I/2023 do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng để thực hiện hỗ trợ, tư vấn cho người lao động mất việc làm, thiếu việc làm đến ứng tuyển tại các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn.
LĐLĐ tỉnh cũng đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/1/2023 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Do sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu chủ lực; xung đột Nga- Ukraine; lạm phát, giá cả tăng cao… đã làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn bị suy giảm… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động trong nước, nhất là những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
Theo dự báo, trong quý 1/2023, tình hình việc làm của người lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Đối với tỉnh ta, mặc dù không có sự biến động lớn nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cũng sẽ cầm chừng hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt để tìm kiếm các đơn hàng trở lại để đảm bảo sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động. Đồng thời Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm. Vì vậy, tin tưởng rằng thị trường lao động sẽ có khởi sắc ở những tháng tiếp theo.