Tại chợ Rồng (thành phố Ninh Bình), nhiều loại rau xanh đều tăng giá. Rau muống lên 3.000 đồng/bó, trong khi bình thường chỉ dao động từ 1.500-2.000 đồng/bó; rau ngót tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 - 7.000 đồng/bó; bí xanh tăng từ 6.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg; mướp tăng từ 7.000 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg. Một tiểu thương tại đây cho biết, trời mưa khiến nhiều nơi ngập úng, rau xanh trở nên khan hiếm nên giá tăng cao. Dù giá tăng gấp đôi nhưng vẫn cháy hàng.
Tại các chợ nhỏ lẻ tại địa bàn huyện Kim Sơn, Yên Khánh và thành phố Tam Điệp, các loại rau củ cũng tăng giá mạnh... Theo một chủ cửa hàng tại chợ Nam Dân (thị trấn Phát Diệm) cho biết, hầu hết các loại rau xanh đều tăng giá, do mưa lớn kéo dài gây ngập úng nên nhiều loại rau không có để bán cho người tiêu dùng. "Mới sáng tôi đã bán gần hết hàng rồi. Bây giờ 3.000 đồng một bó rau muống, lát nữa 4.000 đồng cũng không còn hàng mà bán", tiểu thương tại chợ Nam Dân cho hay. Rau xanh tăng giá khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi ngạc nhiên.
Anh Trần Văn Mạnh, phố Kiến Thái (huyện Kim Sơn) cho biết: Mọi hôm ra chợ thì bạt ngàn rau củ, nhưng nay ra thì đã gần hết hàng, hầu như loại rau xanh nào cũng tăng giá. Tuy vậy, đối với nhiều bà nội trợ lâu năm, việc rau xanh tăng giá sau mưa bão là việc không nằm ngoài dự đoán.
Tại vùng trồng rau ven thành phố Ninh Bình, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Ngọc Bích, phố Phúc Khánh, phường Ninh Sơn. Mỗi vụ, gia đình ông trồng luân phiên 2 sào rau củ các loại như hành hoa, dưa chuột, cải canh...
Tuy nhiên, mưa lớn trong thời gian qua đã khiến diện tích này ngập úng suốt 2 ngày. Ông Bích cho biết, gia đình đã kịp thu hoạch một phần rau màu và xuống giống một số loại rau ăn lá khác. Thế nhưng mưa lớn đã khiến toàn bộ diện tích rau màu mới gieo trồng ngập lụt, bị mất trắng. Giờ nước đã rút, gia đình tôi phải làm đất để gieo giống lại.
Theo báo cáo của UBND phường Ninh Sơn, đợt mưa bão vừa qua đã gây thiệt hại gần 40ha rau màu các loại, trong đó, thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) là 28,5ha, ước giá trị thiệt hại gần 800 triệu đồng; thiệt hại rất nặng từ 50-70% là trên 10ha, ước giá trị trên 100 triệu đồng. Ông Phạm Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Sơn cho biết:
Trong mấy ngày qua, UBND phường đang tập trung chỉ đạo việc tiêu thoát nước. Đến nay, hầu hết các diện tích đã được tiêu úng, đảm bảo cho bà con nông dân trở lại sản xuất. Vụ mùa 2018, phường Ninh Sơn gieo cấy hơn 100 ha lúa, hiện bà con đã xuống đồng khẩn trương gieo cấy.
Đối với cây rau màu, để đảm bảo thời vụ, phường vận động bà con tiếp tục gieo giống cây rau vụ mới, đồng thời khuyến cáo việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn cho việc sản xuất.
Thái Học