Mỏng về chuyên môn, khan hiếm tài năng trẻ
Ngay từ đầu Giải, người ta có thể dễ dàng kể tên những đội bóng chắc chắn sẽ giành thứ hạng cao như: nam Thể Công, Hoàng Long Long An, Tràng An Ninh Bình...; nữ là Bộ Tư lệnh Thông tin, Bình Điền Long An, Bưu điện Hà Nội... Năm nay có "hiện tượng" Khánh Hòa bất ngờ vượt qua đàn anh Thể Công để đứng đầu bảng A, trong đó có công đóng góp rất lớn của chủ công Vũ Văn Kiều, một tài năng trẻ đang lên. Hầu hết các đội bóng còn lại đều ở mức "thường thường bậc trung" với trình độ chuyên môn hạn chế, tấn công đơn điệu, phòng thủ chuệch choạc. Tiếng là đội mạnh song cũng chỉ nhỉnh hơn những đội bóng phong trào ở các địa phương, đơn vị.
Ông Hà Mạnh Thư, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam thừa nhận rằng, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay cần phải nhắm tới là công tác đào tạo vận động viên trẻ. Hiện cả nước không có nổi một trung tâm đào tạo, huấn luyện VĐV bóng chuyền, duy chỉ có Thể Công và Hoàng Long Long An là quan tâm đến việc đào tạo lớp VĐV kế cận cho CLB, còn hầu hết đều có xu hướng "ăn xổi" bằng phương thức chuyển nhượng cầu thủ. |
Trận chung kết nữ giữa đội Bình Điền Long An và Bộ Tư Lệnh Thông Tin. Ảnh: Thế Minh |
Tài năng trẻ thì khan hiếm hoặc chưa đảm đương được nhiệm vụ nên các câu lạc bộ vẫn phải sử dụng những "công thần" tuổi 30, thậm chí 40 như Hà Thu Dậu, Kim Khuyên (Ngân hàng Công thương Việt Nam), Thanh Hoa (Bưu điện Hà Nội), Thu Dung (Bình Điền Long An), Công Thành, Bá Chung (Quân đoàn 4), Anh Thi, Văn Thanh (Sao Vàng Biên Phòng), Thanh Tùng (Hoàng Long Long An)... Đã qua 3 mùa giải, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam có quy chế về sử dụng cầu thủ nước ngoài, đây được xem như bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn của giải và là cơ hội cho bóng chuyền Việt Nam hòa nhập, cọ xát, học hỏi về kỹ thuật bóng chuyền tiên tiến, song đáng tiếc không hiểu do thiếu kinh phí hay vì lý do nào khác mà các CLB chỉ ký hợp đồng với các "ngoại binh" có trình độ kỹ thuật, chuyên môn nhất định, tuổi đời cao đến từ các nước Trung Quốc, Liên bang Nga, Thái Lan. Chỉ trừ một vài gương mặt nổi trội, còn lại khán giả được chứng kiến nhiều ngoại binh ở các CLB thi đấu với phong độ thất thường về chuyên môn, yếu về thể lực, thử hỏi các cầu thủ nội học hỏi được họ ở điều gì?
Khoảng cách còn lại
SEA Games 23 tại Thái Lan, lần đầu tiên bóng chuyền nam Việt Nam vượt qua Thái Lan trong trận bán kết. Giới chuyên môn và người hâm mộ đã có sự kỳ vọng vào tương lai của bóng chuyền Việt Nam, song nhận định một cách khách quan, bóng chuyền Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với tầm khu vực và châu lục. Với phương châm xã hội hóa TDTT, những năm qua bóng chuyền Việt Nam đã có bước tiến mới khi nhận được sự đầu tư, tài trợ của nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân, nhưng được biết thực chất của sự quan tâm, đầu tư cho môn thể thao này còn có nhiều hạn chế. "Sân chơi" cho bóng chuyền cũng vẫn mang tính nghiệp dư bởi phương thức tổ chức thi đấu giải hàng năm theo kiểu "Xuân thu nhị kỳ". Các CLB nữ còn có dịp cọ xát, học hỏi thêm qua một số giải đấu như "Cúp VTV Bình Điền Long An", "Cúp giấy Bãi Bằng". Các CLB nam như Tràng An Ninh Bình chỉ biết có tập luyện và thi đấu ở vòng giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc vào dịp đầu năm và cuối năm!?
Lê Thanh