Có thể thấy, sau 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, hầu hết người dân trên địa bàn đã có ý thức tự giác đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa giao thông tại tỉnh ta; số lượng người dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng tăng, góp phần quan trọng trong việc giảm hậu quả của các vụ tai nạn giao thông. Để có được kết quả này, các ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh đã tích cực vào cuộc thực hiện nhiều biện pháp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Nổi bật là đã thực hiện trên 10.000 buổi tuyên truyền lưu động về ATGT trên các tuyến giao thông, các địa bàn phức tạp về trật tự ATGT; gần 2.000 buổi tuyên truyền tại các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và các trường học trên địa bàn với gần 500.000 lượt cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên tham gia; tổ chức in ấn gần 1.000 tập đề cương tuyên truyền, gần 600 băng đĩa, 80.000 tờ rơi, 1.260 băng rôn, tổ chức trên 150 buổi chiếu phim về ATGT...
Đồng thời, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các công ty sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm tuyên truyền và thực hiện chương trình đổi mũ bảo hiểm không đạt chuẩn lấy mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng có trợ giá cho nhân dân trên địa bàn tỉnh với số lượng hơn 7.000 chiếc, phối hợp với ủy ban ATGT quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo cấp gần 4.000 mũ bảo hiểm và hướng dẫn cài quai đúng quy cách cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Ngành Công an đã vận động và hỗ trợ tặng gần 15.000 mũ bảo hiểm cho học sinh, sinh viên, các hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào theo đạo Công giáo, các chức sắc, tăng ni, phật tử...
Cùng với đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Trong 10 năm qua, lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng cảnh sát khác tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT đã phát hiện, xử lý 95.653 trường hợp vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, phạt tiền trên 12,7 tỷ đồng; nhắc nhở hàng chục nghìn lượt học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện, gửi gần 11.000 thông báo về các nhà trường, cơ quan và địa phương nơi cư trú của người vi phạm để có biện pháp giáo dục, xử lý.
Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh mũ bảo hiểm.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, qua công tác kiểm tra trên địa bàn tỉnh hiện không có cơ sở sản xuất và nhập khẩu trực tiếp mũ bảo hiểm mà chỉ có những cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ mũ bảo hiểm.
Trong 10 năm, Công an tỉnh đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý 37 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm có vi phạm, thu giữ 3.834 mũ bảo hiểm không đạt chất lượng; bắt và xử lý 11 vụ vận chuyển hàng hóa là mũ bảo hiểm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phạt tiền 60 triệu đồng.
Riêng Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra việc kinh doanh mũ bảo hiểm của các cơ sở bán buôn, cơ sở kinh doanh cố định, các quầy hàng, cửa hàng tại các chợ, các điểm bán hàng tại lề đường, vỉa hè.
Qua kiểm tra, đã xử lý 315 vụ vi phạm về kinh doanh mũ bảo hiểm, phạt hành chính trên 110 triệu đồng, tịch thu gần 10.000 mũ bảo hiểm, trị giá ước khoảng 500 triệu đồng.
Tuy vậy, việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Một bộ phận người dân chưa chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, nhất là vùng nông thôn và buổi tối ở khu vực thành thị; tình trạng sử dụng mũ bảo hiểm chất lượng kém mang tính chất đối phó hoặc có đội mũ nhưng không cài quai còn diễn ra... dẫn đến số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan đến mũ bảo hiểm còn ở mức cao.
Theo thống kê 10 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 530 vụ tai nạn giao thông nguyên nhân do không chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, làm chết 130 người, bị thương 400 người (trong đó chấn thương sọ não 142 người, chấn thương nhẹ 258 người).
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Ban ATGT tỉnh đề nghị thời gian tới các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở các trường hợp đội mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng khi tham gia giao thông và kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai, tập trung vào các đối tượng thường hay vi phạm như học sinh, sinh viên, người dân vùng nông thôn nhằm trực tiếp tác động, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm. Đặc biệt các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, công nhân trong tổ chức mình và cộng đồng chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông...
Bài, ảnh: Kiều Ân