Ở Việt Nam, năm 2007 có 455.000 người bị mù lòa, 1.580.000 người có thị lực thấp. So với năm 1995, số người khiếm thị đã giảm xuống 1/3. Xét trong các nguyên nhân gây mù ở Việt Nam, có thể thấy nguyên nhân đục thủy tinh thể chiếm tỷ lệ lớn (66,10%), tiếp đến là bệnh lý bán phần sau 10,10%, glucôm 6,50%, biến chứng phẫu thuật 4,10%, teo nhãn cầu 3,20%, tật khúc xạ 2,50%…
Để giúp nhân dân Ninh Bình nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung phòng, chống các bệnh về mắt và giải phóng mù lòa, từ tháng 10-2007 Tổ chức ORBIS quốc tế đã tài trợ, triển khai dự án "Nâng cao năng lực chăm sóc mắt nông thôn" tại Ninh Bình. Sau gần 1 năm thực hiện, dự án đã đem lại nhiều kết quả trên các mặt: Đào tạo cán bộ, hỗ trợ trang thiết bị, triển khai các hoạt động chuyên môn và tăng cường công tác truyền thông. Về công tác đào tạo cán bộ, Ninh Bình đã có trên 60 y, bác sĩ, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý dự án thuộc tuyến tỉnh và huyện được tham dự các lớp đào tạo phẫu thuật đục thủy tinh thể theo phương pháp Phacô, đào tạo về tật khúc xạ, phẫu thuật quặm, phẫu thuật lác, sụp mi; được tập huấn phương pháp xây dựng kế hoạch, phương pháp bảo dưỡng trang thiết bị… Ngoài ra, dự án còn tổ chức các khóa đào tạo chăm sóc mắt ban đầu cho 147 cán bộ y tế xã, 1.166 nhân viên y tế thôn, bản; tập huấn phương pháp khám, phát hiện tật khúc xạ cho đội ngũ cán bộ y tế trường học.
Từ chương trình đào tạo, tập huấn nói trên, các y, bác sĩ đã được tiếp cận với một số phương pháp điều trị mới, trong đó có phương pháp mổ Phacô đối với bệnh nhân đục thủy tinh thể. Dự án đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở về khám, phát hiện bệnh nhân đục thủy tinh thể, người có thị lực thấp; trang bị phương pháp truyền thông, tư vấn, giúp người dân hiểu và phòng tránh một số bệnh thường gặp về mắt. Cùng với công tác đào tạo cán bộ, dự án đã trang bị cho các đơn vị y tế 4 máy sinh hiển vi phẫu thuật, 10 bộ trung, tiểu phẫu, bảng thử thị lực. Mới đây, Ban quản lý dự án đã tiến hành đấu thầu, trang bị 1 máy mổ Phacô và một số máy sinh hiển vi phẫu thuật, máy đo khúc xạ tự động… đáp ứng yêu cầu khám, điều trị các bệnh về mắt cho nhân dân trong tỉnh, góp phần giảm lưu lượng bệnh nhân phải đi điều trị ở tuyến trên.
Về hoạt động chuyên môn, chỉ tính trong 9 tháng năm 2008, toàn tỉnh đã có trên 40.000 lượt người được khám mắt (không kể Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Trong đó có 611 ca được mổ đục thủy tinh thể, 58 ca mổ glucôm, 60 ca mổ quặm, 47 ca mổ mộng và 246 ca tiểu phẫu khác. Trung tâm phòng, chống bệnh xã hội đã phối hợp với các đơn vị y tế huyện, thành phố, thị xã tổ chức nhiều đợt mổ lưu động, miễn phí với hàng trăm người nghèo được hưởng lợi, giải phóng khỏi mù lòa.
Từ nay đến cuối năm 2008, dự án "Nâng cao năng lực chăm sóc mắt nông thôn" tiếp tục triển khai công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, trong đó có việc mổ đục thủy tinh thể giải phóng mù lòa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm phòng, chống bệnh xã hội. Mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho người nghèo thuộc thành phố Ninh Bình, Hoa Lư, Yên Mô, thị xã Tam Điệp; khám, phát hiện học sinh bị tật khúc xạ, khám, điều tra các dị tật bẩm sinh về mắt cho trẻ em… Các hoạt động đào tạo, truyền thông tiếp tục được triển khai, đảm bảo cho dự án đạt kết quả tốt nhất trong năm 2009.
Hà Trang