Ông Phạm Mạnh Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp cho biết, sáng sớm ngày 10/10, mưa lớn dồn dập đã khiến cho đoạn đồi dài hơn 300 m thuộc khu vực mái phía Bắc của Đồi Dài nằm trên địa bàn tổ 4 của phường bị sạt lở.
Hàng chục mét khối đất đá đổi xuống đe dọa trực tiếp đến 29 hộ dân sống dọc đoạn đồi với chiều dài khoảng 300 m. Trước đó vào ngày 15/9 hiện tượng sạt lở đất đá cũng đã xảy ra tại 3 điểm với khối lượng khoảng 150 m3.
Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND phường đã xuống hiện trường kiểm tra thực tế, khảo sát tình hình, thống kê thiệt hại và chỉ đạo các lực lượng tham gia di chuyển tài sản giúp các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở; kiên quyết không để người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ ngủ nghỉ tại khu vực sạt lở này.
Song song với đó yêu cầu lực lượng dân quân tự vệ, công an, thường xuyên túc trực ứng phó với những tình huống xấu có thể tiếp tục xảy ra.
Được biết hiện nay trên đỉnh đồi Dài tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt, khe nứt dọc dài khoảng 80-100 m, chiều rộng từ 0,2-0,5 m, có chỗ nứt rộng tới 1 m, độ sâu khe nứt từ 0,4 m đến gần 1 m. Chính quyền và nhân dân phường Tân Bình đang rất mong mỏi lãnh đạo thành tỉnh, thành phố sớm có phương án phòng chống sạt lở khu vực này để người dân yên tâm sinh sống.
Khắc phục sự cố tràn trên tuyến đê hữu sông bến Đang
Mưa lớn suốt nhiều ngày qua đã khiến cho mực nước các sông dâng cao. Trên tuyến đê hữu sông bến Đang, đoạn qua xã Yên Sơn và phường Tân Bình (thành phố Tam Điệp), nhiều đoạn mặt đê thấp, nước sông đã tràn qua đe dọa đến tài sản, hoa màu của người dân.
Trước tình hình trên, ngay trong sáng ngày 11/10, Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Tam Điệp huy động 6 máy xúc cùng hơn 300 người bao gồm lực lượng công an, dân quân, đoàn viên, thanh niên tại địa phương cùng lực lượng quân đội có mặt tại hiện trường nhanh chóng khắc phục sự cố. Hàng trăm cọc tre, bao tải đựng cát, đất đã được dùng để gia cố, đắp cao những chỗ đê bị tràn, ngăn nước lũ không chảy tràn vào làng.
Ông Vũ Thành Tôn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp cho biết: Bước đầu hơn 10 điểm trũng thấp trên tuyến đê Bến Đang đã được gia cố, cơ bản ngăn được nước chảy tràn vào trong đồng. Tuy nhiêu, nếu mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra thì rất khó để giữ được vì hiện tại nước sông đã mấp mé mặt đê.
Theo báo cáo nhanh của UBND thành phố Tam Điệp: Từ ngày 3/10 đến 10 giờ 30 phút sáng ngày 11/10, tổng lượng mưa đo được trên địa bàn là 362 mm, nhiều khu vực bị ngập úng. Mưa lớn tiếp tục kéo dài khiến cho hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là diện tích nuôi trồng thủy sản và trồng lúa.
Một số ao cá của các hộ dân thuộc thôn 7, 9 xã Đông Sơn bị thiệt hại do ngập úng. Theo ước tính, tổng diện tích nuôi cá chuẩn bị thu hoạch do tràn bờ giữa các hộ là 280 ha, trong đó xã Yên Sơn thiệt hại nặng nhất (120ha).
Cùng với đó, khoảng trên 40 ha lúa mùa ở xã Yên Bình, Đông Sơn bị đổ, ngập; nhiều diện tích cây màu bị ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.
Mưa to kéo dài cũng đã làm một số khu vực dân cư trên đại bàn thành phố bị ngập úng cục bộ và một số đoạn đường trên tuyến Quốc lộ 1A (khu vực Đền Dâu, khu vực ngã ba Quân Đoàn), Quốc lộ 12 B (đoạn cầu Vĩnh Khương) cũng bị ngập, gây khó khăn cho hoạt động giao thông.
Lãnh đạo TP Tam Điệp kiểm tra tình hình ngập úng trên địa bàn. Ảnh: Đinh Ngọc
Đồng chí Vũ Thành Tôn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp cho biết: Trước tình hình mưa lũ kéo dài, UBND thành phố Tam Điệp đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương bơm tiêu nước đệm cho lúa mùa; bơm chống úng cho diện tích nuôi thủy sản; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi diễn biến của mưa lũ để kịp thời ứng phó và xử lý các tình huống.
Trong những ngày tới, thành phố Tam Điệp tiếp tục chỉ đạo các xã, phường, các cơ quan, đơn vị nắm chắc và chính xác tình hình thực tế, chuẩn bị tốt công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "bốn tại chỗ" để chủ động phòng, chống thiên tai- đồng chí Vũ Thành Tôn, Phó chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp cho biết.
Nguyễn Lựu-Đinh Ngọc