Quốc hội và HĐND có vai trò rất quan trọng của bộ máy Nhà nước và xã hội. Theo quy định của pháp luật, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước….
Để Quốc hội và HĐND các cấp thực hiện đúng chức năng, hoàn thành xuất sắc được nhiệm vụ của mình thì yếu tố quyết định là chất lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Đại biểu là người thay mặt cho nhân dân cả nước và của từng địa phương thể chế hóa đường lối, nghị quyết của Đảng thành chính sách, pháp luật; quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc, hoặc của tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường. Nếu chất lượng đại biểu tốt, những quyết sách của Quốc hội và HĐND các cấp sẽ đúng đắn, làm cho đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng phát triển nhanh và ngược lại.
Vì vậy, lựa chọn được những đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp có Tâm, có Tầm và có Tài để gánh vác việc công, hoàn thành trọng trách của mình vừa là mong muốn, vừa là trách nhiệm của mỗi một cử tri. Những ngày vừa qua, các ứng viên đại biểu Quốc hội thuộc địa bàn tỉnh ta và đại biểu HĐND các cấp đã có các buổi tiếp xúc với cử tri để ra mắt, vận động bầu cử. Đây là dịp để các ứng cử viên thể hiện mình trước cử tri và lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, những buổi tiếp xúc là dịp để cử tri được gặp gỡ, tiếp xúc với các ứng viên, được nghe các chương trình hành động của họ cùng với những lời hứa nếu trúng cử, đại biểu đó sẽ làm gì cho dân, cho nước? Thông qua các buổi tiếp xúc, nghe các chương trình hành động và tìm hiểu tiểu sử của các ứng cử viên, giờ đây, cử tri sẽ thực hiện việc bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp.
Đi bỏ phiếu vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri, đồng thời đây là trách nhiệm của mỗi công dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Do vậy, mỗi một cử tri phải phát huy dân chủ, tích cực tham gia xây dựng Quốc hội và HĐND các cấp bằng hành động cụ thể, trước hết là chấp hành nghiêm các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Khi thực hiện quyền bỏ phiếu, cần nghiên cứu kỹ tiểu sử của các ứng cử viên, sáng suốt lựa chọn những người đại biểu xứng đáng, tiêu biểu, có năng lực đóng góp vào các hoạt động của cơ quan dân cử để bầu vào Quốc hội (khóa XIV) và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể của các cấp ủy Đảng, sự chuẩn bị chu đáo của các cấp, các ngành cùng với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của mỗi cử tri, hy vọng là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (khóa XIV) và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh ta sẽ thành công tốt đẹp, lựa chọn được những người tiêu biểu để thay mặt nhân dân cả nước quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và thay mặt cho cử tri, nhân dân ở tỉnh ta và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn quyết định những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương trong chặng đường 5 năm 2016-2011.
Việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (khóa XIV) và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng là hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh; xây dựng quê hương Ninh Bình giàu đẹp, văn minh.
Nguyễn Đông