Là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, trước năm 1945, ông Đỗ Quý Mão cũng như nhiều người dân ở xã Văn Phú tham gia đội tự vệ. Năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống Pháp ở Ninh Bình phát triển lên một bước mới, trong khí thế "tất cả cho tiền tuyến", ông Đỗ Quý Mão đã tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 632, Trung đoàn 45. (Khi Đại đoàn công pháo 351 được thành lập, Trung đoàn 45 được biên chế trong Đại đoàn công pháo - PV). Ngay sau khi gia nhập quân đội, ông được đơn vị cử sang Trung Quốc để học kỹ-chiến thuật về pháo binh và được giao làm nhiệm vụ pháo thủ số 2. "Với tôi, được tham gia quân đội và được góp sức mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một vinh dự và đó là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời"- ông Đỗ Quý Mão tâm sự.
Năm nay đã bước sang tuổi 93, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng mỗi khi chúng tôi hỏi ông về chiến dịch Điện Biên Phủ, đôi mắt của người chiến sĩ già như rực sáng, ông kể: Địa hình rừng núi của Điện Biên Phủ là một trong những lợi thế giúp ta có thể che giấu được các loại vũ khí, đặc biệt là những khẩu pháo to mà địch khó phát hiện ra được. Nhưng điều quan trọng là phải kéo được những khẩu pháo đó vào trận địa, đúng vị trí để sẵn sàng chiến đấu.
Vì thế, trong chiến dịch, đã có việc kéo pháo vào rồi sau đó lại kéo pháo ra để thực hiện chuyển từ phương châm "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc" là cả một "kỳ tích" của quân đội ta. Lúc bấy giờ, thực hiện quyết định thay đổi phương châm tác chiến dẫn đến việc kéo pháo ra tôi cũng như nhiều anh em trong đơn vị cảm thấy "nản" bởi bao nhiêu mồ hôi và xương máu của hàng trăm con người đã đổ xuống trên đường kéo pháo, bao nhiêu gian khổ đã vượt qua... giờ lại phải kéo pháo ra!.
Nhưng được đơn vị giải thích cặn kẽ lý do, các chiến sĩ hiểu được đó là chiến thuật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mọi người động viên nhau vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thành nhiệm vụ. Đây là cả một thời gian cực kỳ gay go và gian khổ. Kéo vào đã vất vả nhưng kéo ra còn nguy hiểm, gian nan gấp bội.
Khi đưa pháo xuống dốc, bộ đội luôn phải ghìm chặt đầu pháo và cho pháo lăn xuống từ từ. Bởi một bên là núi cao, một bên là vực sâu, chỉ một phút lơi tay ghìm hoặc chèn không cân là có thể cả khối thép đồ sộ sẽ lôi theo hàng chục người xuống vực.
Trời thì mưa dầm, gió rét, lương thực khó khăn, giao thông hào đầy bùn nước và máu của chiến sỹ. Trong khi đó, súng máy, đại bác của địch bắn ra như mưa để phá chiến hào của ta. Bộ đội của ta rất gan dạ vừa đánh vừa đào hào qua đêm này đến đêm khác và có thể nói chiến hào của ta chằng chịt khắp cả cánh đồng Điện Biên như một mạng nhện khổng lồ.
Trong chiến dịch, máu, mồ hôi của biết bao liệt sỹ, thương binh đã đổ xuống, nhưng với tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, mưu trí, sáng tạo và lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, sự táo bạo thiên tài của Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau 55 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" quân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lập nên chiến thắng "lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu", kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đỗ Quý Mão cùng đơn vị về tiếp quản Thủ đô, được tham gia trong đoàn diễu binh chào mừng chiến thắng, được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tham gia quân đội đến năm 1958, ông Mão về quê và tích cực đóng góp sức mình vào các hoạt động ở địa phương trên nhiều cương vị như: Chủ nhiệm HTX, Bí thư chi bộ...
Ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương các loại, nhiều bằng khen và giấy khen khác. Trong cuộc sống thường ngày, phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, ông luôn động viên con cháu trong gia đình tích cực rèn luyện, lao động, học tập để trở thành những công dân tốt.
Ông bảo: Trong suốt cuộc đời quân ngũ và cho đến tận bây giờ, tôi luôn xác đinh cho mình dù ở cương vị, trách nhiệm, hoàn cảnh nào đều phải thể hiện là một chiến sỹ Điện Biên năm xưa, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên.
Chia tay ông Mão, chúng tôi không quên lời căn dặn: chiến thắng Điện Biên Phủ mà bao thế hệ cha ông đã phải đổ máu để có được. Đó mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của ý chí quyết tâm và sức mạnh Việt Nam, vì thế những người trẻ hôm nay phải không ngừng nỗ lực phấn đấu để viết tiếp truyền thống vẻ vang của dân tộc, của đất nước.
Mai Lan