Đầu tháng 2, chúng tôi về Gia Sinh, những chiếc xe máy, ô tô nối đuôi nhau chảy hội, thăm chùa Bái Đính. Trên khắp các xứ đồng, chỉ có lác đác vài người nông dân cấy lúa ở khu vực ngoài đê Hoàng Long… Điều này được ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Sinh giải thích: Năm nay do thời tiết rét đậm, rét hại, mạ chậm phát triển nên mặc dù theo kế hoạch của UBND huyện, khung thời vụ đông xuân tốt nhất là từ 1 đến 20-2, nhưng đến thời điểm hiện tại (sau kế hoạch 3 ngày) bà con nông dân vẫn chưa thể xuống đồng. Trong khi đó, theo tâm lý chủ quan của nhiều người, năm nay nhuận 2 tháng 4 âm lịch nên vụ đông xuân có thể kéo dài hơn so với mọi năm. Mặt khác, với người Gia Sinh mối quan tâm hiện tại của họ bây giờ là tận dụng tối đa khoảng thời gian du xuân đầu năm để lên chùa Bái Đính làm các dịch vụ du lịch như: chụp ảnh, bán hàng, chở khách, hướng dẫn viên du lịch, trông xe, bảo vệ… Đến nay, toàn xã có khoảng 2.500 người tham gia làm dịch vụ du lịch, tăng gần 1.500 người so với năm 2010. Tổng thu từ dịch vụ du lịch, thương mại trong năm 2011 của toàn xã đạt trên 33 tỷ đồng. Trong 3 tháng cao điểm đầu năm (mùa lễ hội), trung bình mỗi người thu nhập từ làm dịch vụ du lịch được 300-400.000 đồng/ngày, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa!
Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở xóm 11, xã Gia Sinh cho biết: Nhà tôi bị thu hồi 5,5 sào cả đất màu và đất 2 lúa để xây dựng khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, bây giờ cả gia đình chỉ còn 17 thước. Cả hai vợ chồng tôi đều làm nông nghiệp, từ khi có khu du lịch, tôi tham gia làm dịch vụ chụp ảnh, thu nhập của gia đình đã được cải thiện hơn nhiều. Song, tôi luôn nghĩ mình là nông dân, phải bám lấy đồng ruộng dù đồng ruộng không cho mình giàu nhưng cũng đủ ăn. Trước thực tế nhiều người dân ở đây bỏ ruộng không cấy nữa, tôi đã cùng một gia đình người bạn đứng ra đấu thầu hơn 1 mẫu để canh tác, vụ mùa thả cá, vụ đông xuân cấy lúa.
Hiện tại, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của toàn xã Gia Sinh chỉ còn gần 300 ha, trong đó diện tích đất 2 lúa là 200,2 ha (giảm so với năm 2011 là 20 ha), diện tích đất màu là 80 ha (giảm 30 ha). Nguyên nhân diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm là do từ năm 2006 đến nay, toàn xã Gia Sinh đã có nhiều diện tích đất 2 lúa và đất màu bị thu hồi làm Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính. Do đó, bình quân diện tích canh tác/người giảm từ 2 sào (năm 2006) xuống còn 0,8 sào. Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, nhiều người nông dân đã chuyển đổi nghề nghiệp để mưu sinh, số người tham gia làm nông nghiệp của xã giờ chỉ còn chiếm 45%. Đất đai ở đây không thuộc diện "bờ xôi ruộng mật" như nơi khác, năng suất thường không cao, vụ mùa thường bấp bênh do nằm trong vùng ảnh hưởng lũ sông Hoàng Long (bình quân chỉ đạt 40 tạ/ha). Khắc phục những khó khăn trong sản xuất, vài năm trở lại đây, Gia Sinh đã chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp như: trạm bơm Đồng Khánh, Lương Sơn; kiên cố hóa kênh tưới, tiêu; nạo vét thủy lợi nội đồng…, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Năm 2011, năng suất bình quân toàn xã đạt 59,6 tạ/ha, đây cũng là vụ có năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay ở Gia Sinh.
Phát huy thắng lợi của vụ đông xuân 2011, vụ đông xuân năm nay, Gia Sinh phấn đấu gieo trồng 165 ha, trong đó khuyến khích nông dân mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, lúa cao sản đạt 60-70% diện tích, với cơ cấu chủ yếu là trà xuân muộn. Một phần diện tích ở những vùng trũng, thùng đào, thùng đấu, vùng ngoài đê gieo cấy bằng trà xuân sớm để thu hoạch trước tránh ngập úng do lũ tiểu mãn. Mặc dù đã có những cố gắng nhất định, song theo đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã thì khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay ở Gia Sinh chính là sự thiếu mặn mà của người nông dân với đồng ruộng của mình. Nếu như những năm trước đây, HTX chỉ cần "bắc loa" thông báo mở chiến dịch diệt chuột bảo vệ mùa màng là bà con xã viên đã mỗi người một việc tích cực tham gia, ủng hộ chiến dịch. Nhưng hai năm trở lại đây, kể cả HTX có tuyên truyền, vận động rồi pha thuốc diệt chuột, để sẵn tại bờ ruộng cũng không có mấy người hưởng ứng, thế là, HTX đành phải thuê người diệt chuột! Một khó khăn khác cũng được ông Hồng đề cập đó là hiện nay, toàn bộ hệ thống kênh tưới cấp 1 từ trạm bơm Đồng Khánh dẫn ra các xứ đồng đã bị thu hồi, giải tỏa để làm bãi trông, đỗ xe phục vụ khách du lịch. Nếu không kịp thời xây dựng một tuyến kênh tưới khác để thay thế thì đây sẽ là khó khăn không nhỏ cho vụ đông xuân này và những vụ tiếp theo.
Bài, ảnh: Đức Nghĩa