Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Năm 2019, mặc dù nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển công nghiệp tại địa phương, do vậy sản xuất công nghiệp năm 2019 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 71,83 nghìn tỷ đồng, tăng 24,46% so với năm 2018, vượt 25,81% kế hoạch năm.
Phân tích về con số này, đồng chí Hoàng Trung Kiên nhìn nhận: Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2019 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ là do có sự đóng góp tương đối lớn của ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô khi Dự án nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô công suất 40.000 xe/năm của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam tại KCN Gián Khẩu sau thời gian xây dựng đã đi vào hoạt động ổn định, sản lượng sản xuất, lắp ráp vượt công suất đề ra; dự án Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG của Công ty TNHH Công nghiệp Hạ Long - CFG tại KCN Khánh Cư hiện dây chuyền 1 công suất 600 tấn/ngày đã đi vào hoạt động.
Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô đã có những đóng góp đáng kể cho giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh...Bên cạnh đó, các sản phẩm chủ yếu có thế mạnh của tỉnh như may mặc, xi măng, phân bón... vẫn tiếp tục sản xuất ổn định.
Những kết quả trên đã phản ánh hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp của ngành chuyên môn cũng như định hướng của tỉnh. Một trong những chính sách được các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao đó là Nghị quyết số 07 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh; chương trình công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình đến năm 2025.
Theo đó, ngành Công thương cũng đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp cũng như định hướng của tỉnh về phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Bên cạnh đó, việc Quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ vào việc thu hút các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn tỉnh đã thu hút đầu tư được 46 dự án, tăng 22 dự án so với năm 2018 với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 10,3 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Để ngành sản xuất công nghiệp của Ninh Bình trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong những tiếp theo, UBND tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, cụ thể: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường thu hút và phát huy hiệu quả các dự án sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp, nhất là các dự án thuộc ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử theo tinh thần Kết luận 08-KL/BCSĐ, ngàỵ 10/1/2018 của Ban Cán sự Đảng ƯBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 13/2/2017 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã và đang tích cực chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; khuyến khích thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với huy động đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các thành phần kinh tế, trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp; tập trung mở rộng diện tích các khu, cụm công nghiệp hiện có, phấn đấu đến năm 2020 tổng diện tích các khu công nghiệp đạt 2.498 ha (tăng 1.026 ha).
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục, nhất là việc bàn giao đất cho các dự án công nghiệp thuận lợi, quy trình được rút ngắn, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan tới triển khai dự án đầu tư, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động, chế độ ưu đãi tối đa theo quy định của Chính phủ với tất cả các dự án đầu tư… đã được thực hiện đồng bộ, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy các nhóm ngành công nghiệp phát triển mạnh, đặt nền móng quan trọng cho những năm sau để kinh tế Ninh Bình tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế cả nước và toàn cầu.
Nguyễn Thơm