Năm nay, lễ hội truyền thống Trường Yên được tổ chức với vị thế là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, do đó, những ngày trước khai hội, công tác chuẩn bị đã được các cấp, các ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai, thực hiện chu đáo, bài bản theo đúng kế hoạch phê duyệt của UBND tỉnh, phấn đấu có một lễ hội truyền thống trang trọng và xứng tầm.
Cùng Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND huyện Hoa Lư có mặt trước 2 ngày diễn ra lễ khai hội truyền thống Trường Yên năm 2016, nhận thấy, đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản được hoàn thiện, sẵn sàng cho ngày khai hội.
Tại sân trung tâm Cố đô Hoa Lư, sân khấu đêm khai hội, nơi thực hiện nghi lễ cầu siêu và lễ hội hoa đăng, khu hội trại thanh niên, điểm diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí như đánh cờ, biểu diễn cồng chiêng, múa trống… đã được khẩn trương lắp đặt hệ thống trang thiết bị, ánh sáng và phân khu, phân vùng phù hợp với từng loại hình biểu diễn, trưng bày...
Không khí tại sân lễ hội kéo dài rộng ra nhiều con đường trong và ngoài khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư. Dọc đường từ huyện Hoa Lư về xã Trường Yên và hướng về nơi diễn ra các hoạt động của lễ hội ngập tràn cờ hoa, biểu ngữ chăng treo chào đón du khách về với lễ hội truyền thống Trường Yên năm 2016. Cùng với đó, công tác đảm bảo ANTT-ATGT cũng được huyện Hoa Lư và xã Trường Yên đẩy mạnh, tăng cường phối hợp, nhằm đảm bảo cho những ngày diễn ra lễ hội được trang trọng, vui tươi, an toàn, xứng tầm với vị thế là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trước đó, để Lễ hội truyền thống Trường Yên diễn ra xứng tầm với vị thế là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, Ban chỉ đạo tổ chức lễ hội đã xây dựng và chỉ đạo nội dung chương trình theo đúng kịch bản đã được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt, với mục đích tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta, về các giá trị di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của Ninh Bình; đặc biệt, thông qua các hoạt động của lễ hội góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước về với Ninh Bình.
Theo đó, UBND tỉnh đã đầu tư kinh phí để tôn tạo, tu bổ một số hạng mục công trình như vỉa hè, đường đi tại sân trung tâm khu di tích, tạo điểm nhấn, mang lại diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp cho khu di tích. Cùng với đó, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư vẫn duy trì việc mở cửa, chào đón và hướng dẫn du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái trước những ngày diễn ra lễ hội.
Đặc biệt, để khắc phục tình trạng những năm trước nhiều hộ kinh doanh buôn bán tổ chức các dịch vụ ăn uống, vui chơi trong khu vực diễn ra lễ hội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như mỹ quan khu di tích, năm nay, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện, xã Trường Yên yêu cầu tất cả các hộ này chuyển hoạt động ra ngoài khu vực sân lễ hội. Xã cũng xây dựng phương án và tiến hành bốc thăm bố trí chỗ ngồi, vị trí bán hàng cho những người kinh doanh buôn bán; thành lập các tổ tự quản dịch vụ chụp ảnh, phân công từng khu vực chụp cho các tổ, đảm bảo khoa học, không tranh giành khách; xây dựng 2 bãi đỗ xe phục vụ du khách, hạn chế tình trạng lộn xộn, ách tắc trong những ngày diễn ra lễ hội...
Cùng với việc khẩn trương hoàn thiện khâu tổ chức cho các hoạt động diễn ra trước, trong và sau lễ hội, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực diễn ra lễ hội cũng được các cơ quan liên quan tăng cường triển khai, tuyên truyền nhằm đảm bảo giữ gìn sức khỏe cho nhân dân và du khách.
Đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh cho biết: Dự kiến, năm nay lễ hội diễn ra vào những ngày nghỉ cuối tuần, do đó chắc chắn sẽ thu hút đông du khách về tham quan, chiêm bái, kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống tăng cao. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn cho Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư; đồng thời phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người thực hành, quản lý, sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
Đặc biệt chú ý đến những quán ăn vỉa hè, cửa hàng nhỏ lẻ tại khu vực và xung quanh nơi diễn ra lễ hội để đảm bảo không xảy ra ngộ độc thực phẩm, chặt chém, nài ép du khách, từng bước tạo ấn tượng và niềm tin cho du khách khi đến du lịch, tham gia lễ hội. Đồng thời, để đảm bảo công tác y tế phục vụ lễ hội, Sở Y tế cũng thành lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn…; đồng thời thành lập Tổ cấp cứu lưu động, có đủ thuốc, trang thiết bị cấp cứu, xe cứu thương thường trực tại trung tâm lễ hội, sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân khi có tình huống xảy ra.
Đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, với chức năng, nhiệm vụ được Ban Tổ chức lễ hội phân công, trên cơ sở nắm bắt thực tế và yêu cầu cụ thể cũng đã chủ động rà soát lại việc triển khai thực hiện các hoạt động tham gia lễ hội. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch, đảm bảo tiến độ, thời gian đã đề ra. Đặc biệt là lực lượng Công an tỉnh và huyện Hoa Lư đã xây dựng phương án và phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ tại khu vực diễn ra lễ hội.
Đồng chí Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng ban thường trực BTC lễ hội truyền thống Trường Yên năm 2016 cho biết: Lễ hội truyền thống Trường Yên năm nay là kỷ niệm 1048 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (986 - 2016), cũng là dịp cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, thi đua lập thành tích cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; đặc biệt, lễ hội cũng là dịp chào mừng sự kiện Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư) được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia…
Với nhiều ý nghĩa như vậy, lễ hội truyền thống Trường Yên 2016 được UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo thực hiện sớm với nhiều điểm mới, trong đó có việc xây dựng đề án phục dựng lại tất cả các nghi lễ (kể cả phần lễ và phần hội) để xứng tầm và đảm bảo nguyên vẹn đối với một quần thể di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Để lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, thành công, trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc BQL Danh thắng Tràng An và đồng chí Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư làm Phó ban, cùng với các ngành, các địa phương. Theo đó, phần lễ được tổ chức với 9 nghi thức, trong đó có những lễ mới như Lễ mộc dục, lễ tiến phẩm những năm trước không làm, năm nay đã được đưa vào và giao cho UBND huyện Hoa Lư tổ chức.
Ngoài ra, chương trình khai mạc cũng rất hoành tráng, Nhà hát Chèo Ninh Bình đã phục dựng lại hoạt cảnh lễ đăng quang lên ngôi Đinh Tiên Hoàng đế, các tích về cờ lau tập trận, kéo chữ Thái Bình, các tiết mục ca múa nhạc về quê hương Ninh Bình. Phần hội cũng có nhiều nét mới với việc phục dựng lại hầu hết các trò chơi dân gian trước đây, như chọi gà, thi nấu cơm, cắm trại, chèo thuyền khéo, cờ người, bắn nỏ, đánh cồng chiêng…; đặc biệt, chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa các địa phương sẽ được tổ chức mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, tạo không khí vui tươi, lành mạnh tại không gian lễ hội. Ngoài huyện Hoa Lư được tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện phần lễ và chủ trì các phần hội, các địa phương gồm 7 huyện, thành phố trong tỉnh cũng tham gia, những nơi có di tích thờ vua Đinh, vua Lê đều tổ chức rước kiệu về trung tâm lễ hội. Có thể nói, mọi công việc chuẩn bị cho Lễ hội truyền thống Trường Yên đã hoàn thành, xứng tầm là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Mỹ Hạnh