Do đó, tọa đàm đã thu hút đông đảo các văn nghệ sỹ của các vùng kinh đô như: Phong Châu (Phú Thọ); Phú Xuân (Huế); Lam Kinh (Thanh Hóa); Thăng Long (Hà Nội); Hoa Lư (Ninh Bình).
Chủ điểm của buổi tọa đàm tuy bàn về sắc thái thơ mỗi vùng kinh đô song trong khuôn khổ tham luận của mình, nhiều học giả đã không chỉ trực tiếp bàn về thơ của các vùng văn hóa nói trên mà đã chọn lối tiếp cận mang tính tổng thể, đó là đi từ những khái quát về văn hóa tới hoạt động sáng tạo thơ. Bởi không thể có thơ nếu không có những tiền đề về tri thức văn hóa mà các vùng kinh đô xưa đóng vai trò là nơi hội tụ về các giá trị văn hóa. Và cũng có một thực tế khác là các nhà thơ cổ phần đa là các trí thức Nho học và là quan lại dù ít dù nhiều đều có quan hệ chặt chẽ với các vương triều: nhà thơ - Thiền sư Đỗ Pháp Thuận giúp việc triều chính cho vua Lê Đại Hành; nhà thơ Trương Hán Siêu làm quan triều Trần; Nguyễn Trãi gắn với Lê triều (hậu Lê); Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Tuy Lý Vương Miên Trinh là người trong Hoàng thất triều Nguyễn…
Nhiều tham luận được chuẩn bị công phu thu hút những người dự hội thảo. Tham luận "Cố đô Hoa Lư - Miền đất khai sinh dòng văn học viết - nơi gặp gỡ thi nhân mọi thời đại" của nhà thơ Lâm Xuân Vi qua việc giới thiệu những tác phẩm thơ cổ đã khẳng định vai trò văn hóa của kinh đô Hoa Lư từ góc độ là nơi khởi nguồn của văn học viết dân tộc. Tham luận của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm "Các cố đô, khi không còn giữ vị trí trung tâm đất nước sẽ còn lại những gì?", đặt một câu hỏi nặng tính nhân văn về sức sống của các giá trị văn hóa. Nguyễn Việt Chiến với bài viết "Các nhà thơ Hà Nội trong hành trình đổi mới thi ca" nhấn mạnh đến ý nghĩa của Thủ đô với vai trò là nơi hội tụ các văn tài và khởi đầu trong các cách tân về thơ. Nhà thơ xứ Thanh Nguyễn Minh Khiêm lại đưa ra một góc nhìn có tính chất như một lát cắt về thơ Thanh Hóa qua cách đặt vấn đề: Chuyển động của thơ Thanh Hóa nhìn từ mảng Trường ca. Còn tác giả Vũ Kim Liên với bài viết "Thơ trẻ Phú Thọ trong hành trình thơ các vùng kinh đô" hướng cái nhìn của mình đến các sáng tác của các nhà thơ trẻ trong tương quan với văn học các vùng kinh đô khác.
Ngoài ra còn nhiều bài viết của các tác giả khác như: Phạm Xuân Nguyên, Thanh Thản, Kim Dũng, Bùi Văn Kha, Đào Phụng, Nhụy Nguyên… cũng chiếm được cảm tình của giới học thuật bởi tính chất uyên bác, sự kỹ lưỡng, tinh tế trong cách chọn tư liệu, đặt vấn đề, lối thẩm bình… Tuy nhiên cái được lớn nhất ở buổi tọa đàm "Sắc thái thơ mỗi vùng kinh đô xưa và nay" chính là tạo nên cơ hội giao lưu, tạo sợi dây nối kết những liên hệ văn hóa bền chặt giữa các nghệ sỹ Ninh Bình với cả nước.
Qua đó những người hoạt động sáng tạo sẽ tự ước định được mình đang đứng ở quỹ đạo nào trong hành trình văn hóa chung của dân tộc và thôi thúc nên sự sáng tạo ra bản sắc riêng. Có lẽ đây cũng chính là mục đích lớn nhất mà những nhà tổ chức buổi tọa đàm hướng tới.
Phương Nam