Khác với người Mường Ngoài ở Thanh Hóa, Mường Tang ở Hòa Bình, người Mường Ninh Bình thuộc tộc Mường Giữa, có những nét đặc thù riêng về tập quán, lễ tục, có sự giao thoa rõ hơn với người Kinh. ở từng xã lại tập trung theo các nhóm khác nhau: người Mường Vang ở Thạch Bình, Xích Thổ, Yên Quang; người Mường Rậm chủ yếu ở Cúc Phương, Văn Phương; người Mường Bơ ở Quảng Lạc; Mường Kỳ Lão ở Phú Long, Kỳ Phú.
Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, với nhiều chính sách ưu đãi, bà con dân tộc Mường ở đây đã vươn lên trong sản xuất, đời sống. Đến với những thôn, bản của bà con dân tộc Mường mới thấy hết sự đổi thay to lớn đang diễn ra từng ngày trên dải đất vùng sơn cước này. Người Mường Ninh Bình vừa có một đời sống văn hóa mang nét đặc trưng riêng nhưng luôn hòa đồng, gắn bó với dòng chảy của văn hóa dân tộc.
Một trong những nét tinh hoa của văn hóa Mường là lịch Mường. Theo truyền thuyết một lần vua Hùng Vương ngự thuyền trên một dòng sông vô tình đánh rơi viên ngọc quý xuống nước. Nhiều đạo sỹ cao tay đã dùng hết mọi phép thuật nhưng vẫn không tìm thấy, thế rồi có một ông thổ Mường phép thuật cao cường xin vào ra mắt nhà vua, sau khi giở chân gà ra xem rồi tâu lên nhà vua viên ngọc đó đang đợi ngày tốt quay về.
Rồi bẵng đi một thời gian có một Ngư phủ đến dâng vua một con cá rất to, khi đầu bếp mổ cá thì thấy một viên ngọc quý nằm trong bụng cá và đó chính là viên ngọc của nhà vua. Vua cho gọi thổ Mường đến và thưởng cho rất hậu nhưng ông không nhận mà chỉ xin vua đặt cho tên tháng, tên ngày để kỷ niệm ngày tìm lại viên ngọc đó.
Và từ đó lịch Mường ra đời một chu kỳ của mặt trăng ứng với 3 tuần tiết của lịch Mường. Mỗi tuần tiết có 10 ngày, tiết đầu tiên gọi là "cây" có nghĩa là mát mẻ, xanh tốt, là sinh, là mọc phù hợp với gieo trồng; tiết tiếp theo là tiết "lồng" là đêm trăng sáng lồng lộng, rọi ánh sáng chan hòa để chào đón những vị anh tài ra đời làm rạng rỡ thêm cho xóm bản quê hương; tiết thứ ba là " Cối" chỉ sự gặp điều không may mắn. Ngoài yếu tố "Lịch trăng", "Lịch Mường" còn có yếu tố "Lịch hậu vận" có nghĩa là dựa vào sự sinh trưởng của cây cối mà đoán chuyện rủi, chuyện may.
Lễ cưới hỏi của người Mường xưa nhất thiết phải có trầu cau, 12 cặp bánh dày tượng trưng cho 12 tuần trăng với ý nghĩa vẹn toàn, tròn trĩnh và đầy đủ.
Người Mường lúc mất đi thường có hát cúng lễ và yểm bùa phép gọi là Mo Tang. Nội dung các bùa Mo trong tang lễ của người Mường được xướng theo hoàn cảnh của tang chủ nên khá đa dạng và phong phú thành một bộ sử thi đồ sộ, mang đậm chất tâm linh truyền thống.
Dân ca Mường chính là kho tàng dân ca truyền thống của người Việt cổ, trong đó có hát nói kết hợp với hát cúng lễ, điển hình là hát mo Mường, hát Rằng; thường có sự giao thoa giữa 2 yếu tố "Tục" và "Thanh" kết hợp những lễ nghi tín ngưỡng dân gian để chúc tụng nhau nhân ngày lễ tế, dịp hội đầu xuân. Hát đúm cũng là loại hát phổ biến của bà con dân tộc Mường, đó là loại hát giao duyên (tựa như hát quan họ của người Kinh bắc, hát ví dặm của người Nghệ Tĩnh, hát si, hát lượn của đồng bào Tày, Nùng). Hát đúm thường tập trung ở những chàng trai, cô gái Mường, bởi đó là những giai điệu của tình yêu, thường diễn ra vào mùa xuân khi hoa đào, hoa mận khoe sắc trên bản Mường. Tết đến, xuân về đến với những bản làng ở Thạch Bình, Kỳ Phú, Cúc Phương, Yên Quang, Quảng Lạc… không chỉ có cây nêu, quả còn tung liệng mà còn có những cuộc hát sắc bùa diễn ra suốt ngày đêm, làm cho không khí ở đây thêm vui tươi, đầy ắp không khí mùa xuân với loại nhạc cụ duy nhất được sử dụng là Cồng Chiêng. Mỗi dàn Cồng Chiêng có 8 loại với kích cỡ khác nhau (Cồng đại, Cồng trung, Cồng tiểu). Phường sắc bùa tập trung nơi đầu bản, đánh Cồng đánh Chiêng tạo nên âm vang rộn rã, rồi lần lượt đi vào từng nhà trong bản. Sau khi hát ở sân lại có bài hát gọi "mở cửa", chủ nhà mời phường hát bùa vào bếp để hát những bài hát trong nhà.
Ngày nay các tộc Mường Ninh Bình luôn sát cánh cùng với những người Kinh, vừa phát huy sức mạnh của văn hóa truyền thống, vừa tiếp thu những tinh hoa của văn hóa hiện đại để xây dựng một đời sống văn hóa mới phong phú, văn minh và lành mạnh. Tại hàng trăm thôn, bản có đông bà con dân tộc Mường sinh sống, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" phát triển khá mạnh, đã có không ít thôn bản đạt 4 chỉ tiêu của làng văn hóa, được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa" các cấp. Từ các Hương ước, Quy ước đã được xây dựng, bà con tại các thôn, bản không chỉ đoàn kết giúp nhau trong phát triển kinh tế, tích cực giảm nghèo, mà còn hết sức quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trong sinh hoạt tín ngưỡng, những lệ tục, tập quán lạc hậu đã dần được loại bỏ. Đã không còn việc tổ chức ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày trong các đám cưới, đám tang, bà con theo đạo đã nguyện "Sống phúc âm trong lòng dân tộc", làm tốt cả việc đạo, việc đời. Mọi mâu thuẫn trong gia đình, họ tộc, thôn, bản đều được hòa giải kịp thời. Sự học của con em đã được quan tâm đặc biệt, bây giờ một gia đình người Mường nuôi 2 con học đến cao đẳng, đại học không còn là chuyện hiếm.
Phong trào văn hóa, văn nghệ của người Mường Ninh Bình cũng phát triển khá sôi động, hầu hết các thôn, bản đều có một tổ văn nghệ. Bên cạnh những đêm hội Cồng chiêng, hát đúm, hát Mo Mường, hát giao duyên đã có không ít thanh niên nam, nữ người Mường múa giỏi, hát hay những ca khúc, giai điệu mới của thời kỳ hiện đại. Bà con dân tộc Mường luôn yêu thích giữ gìn bảo tồn những giá trị văn hóa vô giá đã tạo nên bản sắc riêng của dân tộc mình và góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của cộng đồng Kinh Mường trên dải đất vùng sơn cước thân yêu này.
Lê Liêu