Nơi đây lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, từ lịch sử hình thành, phát triển các làng Lê, Sinh Dược, Xuân Trì thuộc xã Gia Sinh; các di tích, danh thắng, núi đồi, hang động, đền chùa, miếu mạo, lễ hội đến các truyền thuyết, sự tích, thành tích của Gia Sinh trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước từ thời các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh.
Trên phạm vi một xã đã tập trung dày đặc những địa linh, nhân kiệt, những huyền tích, huyền sử của một vùng văn hóa hiếm thấy. Rất nhiều điều nếu như chưa đọc cuốn sách này chắc hẳn nhiều người chưa biết, kể cả những người trong vùng. Choáng ngợp trước những tư liệu, sự kiện cũ nhưng lại rất mới mẻ và hấp dẫn viết trong cuốn sách, cùng với khu núi chùa Bái Đính cũ và mới, chúng tôi chú ý đến thông tin về "Rừng cây sưa" và "Đền Ba cây".
Là người quê Gia Sinh, lại rất tâm huyết với quê hương, đã bỏ công sức mấy năm nay để sưu tầm, nghiên cứu, tác giả hiểu rất sâu về các tư liệu, sự kiện của Gia Sinh với cách viết rất cô đúc, ngắn gọn, tinh túy. Về "Rừng cây sưa" và "Đền Ba cây" cũng vậy. Đọc xong cuốn sách, chúng tôi cùng nhau về Gia Sinh, Bái Đính.
Mấy năm qua, từ ngày Dự án Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính khởi công, chúng tôi đã về đây mấy lần rồi nhưng lần này về vẫn thấy sự thay đổi nhanh quá, không phải chỉ ở khu chùa Bái Đính cũ, chùa Bái Đính mới mà cả xã Gia Sinh, từ trong làng đến ngoài đồng, từ đường sá đến nhà ở, bộ mặt, cảnh quan, đời sống, con người rất nhiều đổi mới.
Đến xem "Rừng cây sưa" và "Đền Ba cây", mặc dù đã được đọc trong sách nhưng chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước những điều nhìn thấy. Tất cả chúng tôi đều chưa được tận mắt nhìn thấy cây gỗ sưa bao giờ. Nhưng qua báo chí rộ lên một thời gian về nạn chặt trộm gỗ sưa ngay giữa thủ đô Hà Nội vì giá gỗ sưa cực đắt, mua bán tính bằng cân nên không thể bỏ qua dịp này để nhìn tận mắt cây gỗ sưa xem nó như thế nào?
Vốn là vùng chiêm trũng lụt lội xen lẫn núi đồi, trước đây đi bộ vào cũng khó, nhưng bây giờ xe ô tô đến được tận nơi. Giữa cánh đồng lúa đông xuân xanh mượt mà, trên sườn quả núi Thờ, đồi Thần là cả một rừng sưa có đến hàng nghìn cây. Chắc là đã có từ lâu lắm rồi. Tuy cây to đã bị chặt hết chỉ còn các cây tái sinh đang phát triển và hầu như không có loài cây nào khác mọc xen vào.
Nghe nói những năm 1960, địa phương đã chặt hạ 5 cây sưa, mỗi cây to hơn một người ôm. Đến mùa, hoa sưa nở trắng cả một mán đồi. Hạt sưa bay tán theo gió nhưng không hiểu sao cả vùng chỉ có nơi đây có đồi sưa, các núi đồi ngay cạnh đấy cây sưa vẫn không mọc?
Cách đồi cây sưa khoảng 1 cây số là đền Ba cây, cũng thuộc thôn Lương Sơn, xã Gia Sinh, nằm sát sông Lê, xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI), thờ Bà chúa Lê Triều Kim Anh Từ Hòa Công Chúa. Trùm lên phủ bóng che mát ngôi đền là 5 cây lộc vừng "đại lão thụ".
Trong 5 cây lộc vừng có 3 cây to hơn, có thể được trồng từ khi làm đền (nên gọi là đền Ba Cây), còn 2 cây nhỏ hơn có thể là trồng sau khoảng 400 năm rồi. Thân cây to nhất phải hơn một người cuồng. Gốc, rễ bạnh ra thành hốc. Cây không phải chỉ to, cao, mà rất đẹp, vô giá, cả về thế, về dáng; cả gốc, thân, cành, tán đều rất đẹp được tạo nên qua thời gian với tác động của thiên nhiên và con người. Đặc biệt, cây lộc vừng này tồn tại giữa một vùng chiêm trũng, chịu đựng, chứng kiến biết bao trận bão lụt trong 400 năm mà vẫn sống, vẫn phát triển cùng với lớp lớp người dân nơi đây. Nghe nói đến vụ, hoa lộc vừng nở đỏ trên các tán cây và rụng xuống thành một tấm thảm đỏ dầy trên mặt đất, trên mái đền, trên sân đền, rồi những dây quả lộc vừng như những chuỗi ngọc treo thả trên các cành cây suốt mấy tháng trời. Có điều tiếc là không hiểu vì sao khi sửa lại đền thì cây lộc vừng to nhất, đẹp nhất lại để ra bên ngoài tường bao khuôn viên, bức tường chặn sát gốc cây làm mất đi cái thế, dáng của cây lộc vừng to nhất, đẹp nhất ở đây.
Được biết, các đồng chí lãnh đạo huyện Gia Viễn đã có chỉ đạo bảo vệ đồi cây gỗ sưa và 5 cây lộc vừng quý hiếm này.
Thanh Túc