Nhiều khó khăn trong xử lý rác thải y tế Hiện nay, các bệnh viện tuyến huyện đều được đầu tư hệ thống chất thải rắn và lỏng để xử lý rác thải y tế. Tuy nhiên, đối với các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh, mới chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây dựng được hệ thống lò đốt chất thải y tế đảm bảo tiêu chuẩn và hoạt động tốt. Còn lại một số lò đốt tại các đơn vị khác có nhưng hoạt động không hiệu quả hoặc không hoạt động được, hoặc chưa có.
Như tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh có lượng bệnh nhân đông, trước khi còn hoạt động trong mô hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ vẫn có hệ thống xử lý rác thải. Nhưng sau khi chia tách, hoạt động độc lập thì hệ thống xử lý rác thải bị hỏng, không hoạt động được, Bệnh viện phải ký hợp đồng với đơn vị thu gom và xử lý rác thải y tế.
Theo tính toán của Bệnh viện, bình quân 1 tháng Bệnh viện có trên 1 tấn chất thải y tế nguy hại được thu gom. Qua hợp đồng với Công ty môi trường An Sinh (tỉnh Hải Dương), cứ 2 lần/tuần có xe vận chuyển rác thải đi xử lý với chi phí vận chuyển và đốt hết 20.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng tiền xử lý chất thải nguy hại, mỗi năm Bệnh viện phải chi trên 200 triệu đồng và khoảng gần 100 triệu đồng cho việc xử lý rác thải sinh hoạt.
Nhiều đơn vị y tế trong tỉnh hiện nay cũng đang áp dụng cách xử lý chất thải y tế như Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh và đốt là biện pháp chính để xử lý rác thải y tế. Tuy nhiên, quá trình vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế ở nhiều đơn vị hiện nay cũng gặp không ít khó khăn: kinh phí để thực hiện thường xuyên, kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống…
Trong khi, nếu rác thải y tế không được kiểm soát, xử lý triệt để theo tiêu chuẩn môi trường quy định sẽ là một trong những nguồn tiềm ẩn lây lan bệnh tật, tác động không nhỏ tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Theo nhiều người dân sống gần các bệnh viện, họ rất sợ hãi mỗi khi nhìn thấy cột khói đen bay lên từ khu vực xử lý rác thải của bệnh viện vì theo họ hiểu, mình đang phải hít thứ khói độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thực tế một lần đi kiểm tra các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn thành phố Ninh Bình, chúng tôi đã rùng mình bởi ngay trước cửa một số phòng khám chuyên khoa sản, các túi ni lông màu đen đựng rác, trong đó có cả những kim tiêm, dịch truyền… được để lẫn với rác thải sinh hoạt để chờ xe rác của đơn vị thu gom đến đưa đi.
Với hơn 200 cơ sở y tế tư nhân, hoạt động chuyên môn về khám, điều trị diễn ra hàng ngày, kèm theo đó là các loại rác đặc thù, nếu không được xử lý đúng, thực sự là mối nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Đó là thực trạng hết sức đáng lo ngại từ rác thải y tế cần được quan tâm kiểm soát chặt chẽ và có những quy định, chế tài xử phạt cụ thể để các cơ sở y tế tư nhân chấp hành đúng.
Cần phải sớm giải quyết vấn đề rác thải y tế
Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 bệnh viện tuyến tỉnh, 7 bệnh viện tuyến huyện và gần 150 trạm y tế, hơn 600 cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Hàng ngày, ngoài lượng nhỏ rác thải sinh hoạt, còng lại phần lớn là rác thải y tế như: bông, băng, vỏ, vỉ thuốc, chai dịch truyền, kim tiêm, lọ thuốc… Đây là những loại rác thải đặc thù, nếu không xử lý đúng cách rất dễ gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiếp xúc, thu gom cho đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, các cơ sở y tế trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa việc xử lý rác thải vào nề nếp. Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây dựng được hệ thống lò đốt chất thải y tế đảm bảo tiêu chuẩn, nhiều bệnh viện đã xây dựng được hệ thống xử lý chất thải rắn theo công nghệ lò đốt, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại một số bệnh viện, công nghệ lò đốt chỉ xử lý được những chất thải rắn như: bông, băng, gạc, cồn… Còn những loại rác đặc thù như: kim tiêm, chai, lọ thuốc thủy tinh… không thể xử lý bằng cách đốt.
Đặc biệt, trong khi các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện được trang bị, đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý rác thải y tế thì các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh lại không được đầu tư xây dựng hệ thống này. Các đơn vị như: Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản… hiện không hề có hệ thống xử lý rác thải rắn nên phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị thu gom rác thải.
Để giải quyết tình trạng các đơn vị y tế tuyến tỉnh đứng trước nguy cơ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh xử lý giúp vấn đề rác thải nguy hại cho các đơn vị cùng tuyến vì công suất của lò đốt 700kg/giờ, trong khi mỗi ngày bệnh viện chỉ sử dụng hết 200 kg/giờ. Tuy nhiên, việc xử lý giúp cũng không duy trì được lâu.
Vừa qua, đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiểm tra và kết luận Bệnh viện Đa khoa tỉnh không đủ thẩm quyền và điều kiện để xử lý rác thải giúp các đơn vị khác. Do đó, Sở Y tế đã mời một công ty chuyên về xử lý rác thải ở Hà Nội về để làm việc, ký kết hợp đồng với các đơn vị y tế tuyến tỉnh.
Tuy nhiên, với kinh phí chi trả thường xuyên cho việc xử lý rác thải như hiện nay, việc bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống xử lý rác thải đã xuống cấp ở một số đơn vị… cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, rác thải y tế ở nhiều đơn vị chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân là điều không thể phủ nhận.
Trong nhiều nỗ lực của ngành Y tế để xử lý rác thải y tế nguy hại tại các đơn vị trong ngành, theo lãnh đạo ngành Y tế chia sẻ: ngành đang xây dựng đề án xử lý rác thải y tế cho các đơn vị trong ngành theo 3 cụm: cụm tại thành phố Ninh Bình và Hoa Lư đặt tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh; cụm tại huyện Kim Sơn sẽ xử lý cho 3 huyện: Yên Khánh, Yên Mô, Tam Điệp; cụm tại huyện Nho Quan sẽ xử lý cho 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn. Nếu được chấp thuận, đề án này sẽ được triển khai từ năm 2016-2017.
Trước mắt, ngành Y tế cũng mong muốn tỉnh quan tâm vấn đề xử lý rác thải y tế nói riêng, xử lý rác thải sinh hoạt nói chung để tiến tới xây dựng một nhà máy xử lý rác thải tập trung như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang áp dụng.
Hiện nay, với mục tiêu phấn đấu 100% các chủ nguồn thải phải có hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp: tuyên truyền cán bộ, nhân viên y tế thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác thải y tế ngay tại khoa, phòng; tăng cường việc quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế hoàn chỉnh; thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị vận hành hệ thống xử lý rác thải để phát huy tối đa hiệu quả của việc xử lý chất thải tại các bệnh viện…
Bài, ảnh: Bùi Diệu