Xác định việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, quyết định hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, năm 2015, BHXH tỉnh đã tích cực tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến với các tầng lớp nhân dân và người lao động nhằm phát triển, mở rộng đối tượng tham gia, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, giảm thiểu nợ đọng; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để tổ chức triển khai, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Đặc biệt là đã chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố tham mưu với UBND cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án lộ trình BHYT toàn dân ở cấp xã; tổ chức hội nghị để giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN đến từng thôn, xóm, phố và triển khai việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT tại các thôn, xóm, phố trên địa bàn tỉnh để thống kê chính xác số người tham gia BHYT, có giải pháp hiệu quả nhằm vận động các nhóm đối tượng tham gia. Cùng với đó, BHXH tỉnh thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, UBND cấp huyện và các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Quy trình nghiệp vụ của Ngành được cụ thể và thống nhất trong toàn hệ thống, lãnh đạo Ngành có định hướng trọng tâm, trọng điểm trong năm 2015 là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH, BHYT, đã tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách và nhiệm vụ chính trị của ngành. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị..., từng bước nâng cao năng lực quản lý, điều hành, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Do đó, tổng số tiền thu BHXH, BHYT đến ngày 31-10-2015 trong toàn tỉnh là 1.155.420 triệu đồng, đạt 83,94% kế hoạch giao. Số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 81.110 người; tham gia BHXH tự nguyện đạt 2.188 người; tham gia Bảo hiểm thất nghiệp là 73.691 người và có 636.194 người tham gia BHYT, chiếm 68% dân số. Ước tính đến ngày 31-12-2015, toàn tỉnh thu đạt 1.411.715 triệu đồng, đạt 102,56% kế hoạch BHXH Việt Nam giao và có khoảng 650 nghìn người tham gia BHYT. Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tình hình kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng trong năm 2015 tuy có chuyển biến tích cực so với năm 2014, nhưng nhiều doanh nghiệp tiếp tục thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, cắt giảm lao động... tác động trực tiếp đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số sống và làm việc ở khu vực nông nghiệp, nông thôn cao; mức thu nhập còn thấp, nhất là ở các xã miền núi, ven biển và người lao động tự do ảnh hưởng nhiều trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT. Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT được tăng lên, cùng với các cơ sở khám, chữa bệnh đề nghị điều chỉnh tăng giá dịch vụ kỹ thuật, do đó đã ảnh hưởng đến việc cân đối quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Việc phát triển đối tượng theo lộ trình của Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư và Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 24-6-2013 của UBND tỉnh Ninh Bình về thực hiện Nghị quyết số 21 vẫn chưa đạt yêu cầu.
Do đó, chỉ tiêu về đối tượng tham gia BHXH mới đạt 23,34% trong tổng số người thuộc độ tuổi lao động (kế hoạch của tỉnh là đến năm 2015 là 25%); chỉ tiêu về đối tượng tham gia BHYT mới đạt 68% dân số (kế hoạch của tỉnh là 75% dân số và theo Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân giai đoạn 2015-2020 trong năm 2015 là 70% dân số). Số nợ đọng vẫn ở mức cao, tính đến ngày 31-10-2015, tổng số nợ đọng tiền BHXH, BHYT lên tới 83.657 triệu đồng, bằng 6,7% so với tổng số phải thu, còn nhiều đơn vị nợ đọng lớn với thời gian kéo dài. Tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình còn thấp. Hiện nay mới trên 2.000 người tham gia BHXH tự nguyện, còn nhiều người dân chưa tham gia; 71.703 người tham gia BHYT hộ gia đình, chiếm tỷ lệ 28,5% trong tổng số đối tượng thuộc diện vận động tham gia.
Đồng chí Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015, toàn tỉnh đạt mục tiêu người dân tham gia BHXH, BHYT đạt trên 70%, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt trên 80% dân số tham gia BHYT, trong thời gian tới, BHXH tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành và vượt mục tiêu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đó là: Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 21-NQ/T.Ư và các chế độ, chính sách của Nhà nước về BHXH, BHYT, nhất là các điểm mới của Luật BHXH năm 2014 đến với các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên địa bàn, góp phần phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Tích cực tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT cho người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động, đẩy mạnh hoạt động của tổ thu nợ liên ngành; xử lý nghiêm đối với các hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ đối tượng hưởng chế độ, nhất là đối tượng hưởng có thời hạn; quản lý chặt chẽ việc cấp Giấy xác nhận nghỉ ốm hưởng BHXH tại các cơ sở y tế nhằm ngăn ngừa các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động và trong nội bộ ngành nhằm kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lạm dụng để trục lợi từ quỹ BHXH. Phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng nghiên cứu đổi mới quy trình và thanh toán các chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế nhằm giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT. Đổi mới phương thức giám định để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định và thanh toán đa tuyến; kịp thời tổng hợp, thống kê chi phí khám, chữa bệnh để đánh giá tình hình thực hiện BHYT. Từ đó, đề ra các giải pháp quản lý phù hợp. Tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh và đảm bảo cân đối quỹ BHYT. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; thực hiện quản lý tài chính chặt chẽ; không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy BHXH, BHYT và đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Bài, ảnh: Hồng Vân