Thủ đoạn của các đối tượng là quảng cáo cho vay trả góp hoặc hỗ trợ tài chính, lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, không cần cầm cố, thế chấp tài sản… nhưng thực chất đây là hoạt động cho vay lãi nặng trá hình, người vay sẽ phải trả cho các đối tượng với mức lãi suất cao nhưng chỉ thỏa thuận miệng và không được ghi trong hợp đồng hoặc có ghi nhưng thấp hơn so với mức lãi suất thực tế.
Các đối tượng lợi dụng tâm lý hám lợi của người dân để huy động vốn làm ăn với số lượng lớn rồi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc dưới danh nghĩa các cơ sở kinh doạnh dịch vụ, cầm đồ để cho vay lãi nặng, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Nhiều đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để vi phạm pháp luật; ngoài ra các đối tượng còn tổ chức phát, dán tờ rơi tại các địa điểm công cộng nhằm lừa người dân vay tiền với lãi suất cao, đến khi người vay không có khả năng chi trả chúng sẽ đe dọa, thúc ép đòi tiền, khủng bố tinh thần, thậm chí sử dụng côn đồ ném chất bẩn vào nhà, sử dụng hung khí đe dọa, hành hung người vay hoặc thân nhân…
Hệ lụy của "tín dụng đen", lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính để cho vay nặng lãi, tiêu thụ tài sản phạm pháp là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đồng thời là điều kiện phát sinh, gia tăng của hàng loạt các loại tội phạm khác, là nguồn phát sinh, hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động mang tính côn đồ, bạo lực, gây mất an ninh trật tự.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều cá nhân, tổ chức không có điều kiện tiếp cận vay vốn ngân hàng, nhất là không có tài sản để thế chấp nên đã vay của đối tượng hoạt động "tín dụng đen"; một bộ phận không nhỏ thanh niên không chịu làm ăn, đua đòi, chơi bời lêu lổng, thiếu sự quản lý của gia đình, nhà trường nên đã vay nặng lãi để sử dụng vào mục đích không chính đáng. Mà khi cần cho mục đích này thì bất kể mức lãi suất nào cũng vay.
Bên cạnh đó thì chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" còn nhiều thiếu sót, chưa tương xứng với mức độ, tính chất vi phạm nên chưa đủ sức răn đe.
Trước tình trạng trên, với vai trò nòng cốt trong đấu tranh phòng chống tội phạm, Công an tỉnh đã sớm dự báo chính xác tình hình, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10 ngày 04/11/2016, Công văn số 89 ngày 19/11/2018 về tăng cường công tác phát hiện, quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm trong hoạt động "tín dụng đen", kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Đồng thời Giám đốc Công an tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, công văn về tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các vi phạm trong hoạt động "tín dụng đen", kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, côn đồ, bạo lực, siết nợ, đòi nợ thuê….
Căn cứ chức năng nhiệm vụ, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện.
Trong đó đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo phương thức thủ đoạn của các đối tượng hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi để các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn, không cầm cố tài sản với mục đích không rõ ràng, không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để vi phạm pháp luật và tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm.
Đã phát hơn 400 tờ rơi, tổ chức cho 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có giấy phép kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Tổ chức nắm chắc tình hình, thường xuyên gọi hỏi răn đe, giáo dục các đối tượng, chủ cơ sở có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen" và cho vay nặng lãi.
Thường xuyên rà soát, lập danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính và đối tượng hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn để phân loại, phân cấp quản lý, đấu tranh theo địa bàn, lĩnh vực.
Trong đó tập trung vào các cơ sở kinh doanh cầm đồ trọng điểm, số đối tượng không kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng hoạt động hỗ trợ tài chính, cho vay nặng lãi, "chơi hụi", "đổ ống"; số móc nối với các chủ lô đề, cờ bạc để cho đối tượng vay với lãi suất cao, số có nghi vấn móc nối với đối tượng tỉnh ngoài cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê.
Tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính vi phạm và các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Thời gian qua đã tiến hành kiểm tra 434 lượt cơ sở, phát hiện, xử lý 92 trường hợp vi phạm; tạm giữ 61 xe mô tô, 4 ô tô, 5 ĐTDĐ, phạt tiền 168 triệu đồng, thu hồi 125 giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT.
Do thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm nên trong số 82 đối tượng, 220 cơ sở hoạt động "tín dụng đen", kinh doạnh dịch vụ cầm đồ và 22 công ty dịch vụ hỗ trợ tài chính trên địa bàn tỉnh đã có 15 cơ sở cầm đồ xin tạm dừng hoạt động, 110 cơ sở cầm đồ và 7 công ty dịch vụ hỗ trợ tài chính xin chuyển đổi loại hình kinh doanh khác; đã loại khỏi danh sách quản lý 32 đối tượng có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen" và cho vay nặng lãi. Tính đến ngày 15/11/2018, trên địa bàn tỉnh có 118 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và 18 công ty hỗ trợ tài chính đang hoạt động nhưng đã cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật, chưa phát hiện có vi phạm.
Thời gian tới, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn vi phạm trong hoạt động "tín dụng đen" và hoạt động kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính, góp phần đảm bảo ANTT, bên cạnh các biện pháp của lực lượng Công an cũng cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, đặc biệt là phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân không vay tiền của các đối tượng hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi nặng; đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện cho nhân dân có nhu cầu vay vốn ở các tổ chức tín dụng hợp pháp.
Các ban ngành chức năng cần siết chặt công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính và kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đối với các cơ sở vi phạm…
Hà Thanh Thủy