Thôn Tiên Yên 2, xã Khánh Lợi (Yên Khánh) là nơi vừa có số người mắc SXH nội sinh cao nhất tỉnh với 5 trường hợp, trong đó có gia đình cả hai vợ chồng đều dương tính với bệnh SXH. Theo Y sĩ Phạm Thị Khuyên, Trạm trưởng Trạm y tế xã Khánh Lợi, ngay sau khi ổ dịch tại thôn Tiên Yên 2 được phát hiện vào ngày 8/8, cán bộ y tế xã đã nhanh chóng báo cáo lên Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có biện pháp khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Đồng thời triển khai ngay chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy, phòng, chống dịch bệnh SXH đến tất cả 12 thôn, xóm trên địa bàn xã, đặc biệt tại khu vực có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài. Cùng với đó, Trạm y tế xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng người dân trên địa bàn thông tin về bệnh SXH, cách phòng, chống và phát động nhân dân tổng vệ sinh môi trường, tổ chức thu gom và xử lý triệt để rác thải, đổ bỏ các chai lọ, dụng cụ chứa nước mưa, nước sạch là nơi trú ngụ của muỗi vằn gây bệnh SXH. Hiện các bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn thôn Tiên Yên 2 đều đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, khu vực ổ dịch nội sinh tại đây cũng đã được khống chế, không xảy ra tình trạng lây lan dịch, đồng thời tiếp tục được ngành Y tế quan tâm, theo dõi diễn biến dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mặc dù số trường hợp mắc SXH không tăng so với cùng kỳ một số năm gần đây (năm 2016 là 3 trường hợp, năm 2017 là 149, năm 2018 là 52 trường hợp), tuy nhiên ghi nhận số ca mắc nội sinh lại tăng cao bất thường tại 3 ổ dịch ở xã Gia Tân (huyện Gia Viễn), phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) và xã Khánh Lợi (huyện Yên Khánh) với gần chục ca bệnh. Trước tình hình đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo sát sao các trạm y tế xã, phường, đội phòng chống dịch, cán bộ y tế phụ trách địa bàn nắm chắc đối tượng, giám sát chặt chẽ các ca bệnh để có phương án chủ động đối phó khi có tình huống xảy ra. Thực hiện nghiêm công tác giám sát chỉ số côn trùng, véc-tơ truyền bệnh, giám sát, điều tra, thống kê ca bệnh, dịch truyền nhiễm, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi... Cùng với đó bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời khi bùng phát dịch…
Thạc sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: SXH là loại bệnh truyền nhiễm có sức lây lan mạnh thông qua vật trung gian là muỗi vằn, rất dễ phát triển thành dịch, nhất là khi gặp điều kiện thuận lợi có mưa, nắng thất thường như hiện nay. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Y tế đã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động triển khai quyết liệt chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu: "Không có loăng quăng, không có sốt xuất huyết", chú ý đến các điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện... Đồng thời, kiện toàn, tăng cường công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người các cấp, các ngành. Thường xuyên nắm tình hình và có biện pháp phòng, chống kịp thời, đặc biệt chú trọng các dịch bệnh như SXH, tay chân miệng, tiêu chảy cấp và các dịch bệnh mùa bão lụt. Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của chính quyền để đôn đốc công tác phòng, chống dịch ở các khu vực có ổ dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm cũ. Tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt lưu ý trường mầm non, các nhóm lớp mầm non tư thục, các hộ trông trẻ tại gia đình...
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 8/2019, trên cả nước ghi nhận trên 110 nghìn ca mắc SXH, trong đó có gần chục trường hợp tử vong và số ca mắc vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Đối với tỉnh Ninh Bình, so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, tỷ lệ mắc bệnh SXH chưa nhiều, chưa xảy ra ổ dịch lớn, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng do một số lý do, như: Thời tiết diễn biến phức tạp với mưa, nắng thất thường, là điều kiện thuận lợi cho muỗi lây bệnh SXH phát sinh, phát triển và lây lan bệnh, rất dễ xảy ra nguy cơ bùng phát dịch. ý thức của nhiều người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH còn chủ quan, chưa coi trọng. Cùng với đó đây là thời gian học sinh bắt đầu đi học trở lại, thực hiện ăn, ngủ bán trú tại trường, đối tượng mắc có thể sẽ rơi vào nhóm tuổi nhỏ và dễ lây lan rộng. Trong khi, SXH là bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin tiêm phòng, do đó mỗi người dân cần thực hiện tốt các nội dung khuyến cáo phòng, chống SXH mà các cơ quan y tế đưa ra như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi vằn không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; gỡ bỏ, thu gom các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên để không có chỗ cho muỗi đẻ trứng, trú ngụ; thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày... Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong các đợt tuyên truyền xử lý môi trường, phun hóa chất phòng, chống dịch. Trong trường hợp có các triệu chứng như bị sốt cao liên tục nhiều ngày, xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm tím, chảy máu cam..., người dân cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hạnh Chi