PV: Thưa đồng chí, đồng chí đánh giá như thế nào về tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua? Đ/c Lê Trọng Thành: Có thể nói, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo TTATGT, tình hình TTATGT trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện ở nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân được nâng lên rõ rệt; TTATGT, trật tự công cộng được đảm bảo.
Đặc biệt tai nạn giao thông tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, ùn tắc giao thông kéo dài và đua xe trái phép; cơ bản giải quyết được các điểm đen về TNGT.
Có được kết quả trên là do sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT. Xác định công tác truyền thông luôn là nhiệm vụ hàng đầu, do vậy các cấp, các ngành đã quan tâm thực hiện với nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, đã chú trọng kết hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với tuyên truyền trực quan, lưu động và thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, trong đó tập trung vào việc thực hiện các quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện; không vi phạm nồng độ cồn khi lái xe...
Song song với đó, công tác tuần tra kiểm soát và xử lý các vi phạm về ATGT được thực hiện thường xuyên liên tục, nhằm giáo dục, răn đe những trường hợp cố tình vi phạm. Theo thống kê sơ bộ trong 8 tháng đầu năm 2019 các lực lượng chức năng của tỉnh đã xử lý gần 25.000 trường hợp vi phạm về ATGT, phạt tiền khoảng 21 tỷ đồng, tạm giữ gần 4.000 phương tiện, tước gần 1.600 giấy phép lái xe.
Cùng với đó, rà soát đề nghị khắc phục 22 điểm tiềm ẩn xảy ra TNGT và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông... Trong đó, tập trung xử phạt các lỗi là nguyên nhân thường xảy ra tai nạn giao thông như vi phạm về tốc độ; nồng độ cồn; kích thước thành thùng xe; chở quá tải; quá số khách cho phép, dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; người tham gia giao thông bằng mô tô xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; các vi phạm về Luật giao thông đường thủy nội địa tại các bến khách ngang sông, đò du lịch, điểm giao cắt đường bộ với đường sắt…
Đặc biệt, đáng nói là thực tế qua công tác tuần tra kiểm soát và điều tra xử lý các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn của lực lượng chức năng nhận thấy hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn còn xảy ra và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng về người, sức khỏe và kinh tế.
Vì vậy thời gian qua các lực lượng chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh và đồng bộ để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm nồng độ cồn, trong đó bao gồm cả các hành vi chống đối. 8 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử lý 396 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền gần 1,2 tỷ đồng. Việc xử lý nghiêm của lực lượng cảnh sát giao thông đã có sức răn đe rất lớn đối với nhiều lái xe trên địa bàn.
Vừa qua Quốc hội cũng đã chính thức thông qua Luật "Phòng chống tác hại của rượu bia" có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020 trong đó có quy định người điều khiển phương tiện xe cơ giới khi tham gia giao thông tuyệt đối không được sử dụng rượu bia. Do vậy, tình hình vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực theo chiều hướng giảm số lái xe vi phạm trong các tháng.
Tuy nhiên, tình hình TTATGT trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, lưu lượng hoạt động của các loại phương tiện, lượng khách đến địa bàn tham quan du lịch ngày càng tăng, nhất là vào dịp lễ, Tết và những ngày nghỉ, trong khi ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao đòi hỏi các lực lượng chức năng luôn phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ trong công tác đảm bảo TTATGT.
PV: Tháng 9 được chọn là tháng cao điểm đảm bảo TTATGT, xin đồng chí cho biết các hoạt động sẽ được triển khai thực hiện trong tháng, thưa đồng chí?
Đ/c Lê Trọng Thành: Việc chọn tháng 9 là tháng cao điểm bảo đảm an toàn giao thông đã được tỉnh Ninh Bình duy trì từ nhiều năm nay. Tháng 9 hàng năm là dịp học sinh tựu trường, vào năm học mới và cũng là tháng diễn ra kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, lưu lượng người và phương tiện tham gia thông thường tăng cao hơn. Việc thực hiện tháng cao điểm cũng là một điểm nhấn quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về ATGT và thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đợt này, tỉnh sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm, đó là:
Tập trung cao cho công tác tuyên truyền ATGT, nhất là tuyên truyền ATGT cho học sinh trong các trường học ngay từ đầu năm học mới, đồng thời huy động các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT về nguyên nhân, nguy cơ tai nạn giao thông tăng cao, tạo thái độ, ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông (đội mũ bảo hiểm, tuân thủ quy định tốc độ, không lái xe khi đã sử dụng rượu bia, không chở quá tải trọng, không chở quá số người quy định,...); tuyên truyền thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tai nạn môtô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn, đồng thời phổ biến quy định pháp luật về quản lý hoạt động vận tải khách đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đến các doanh nghiệp vận tải, cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT, tập trung công tác kiểm soát phương tiện chở quá tải trọng và cơi nới thùng xe, kiểm tra xử lý các lỗi là nguyên nhân thường gây tai nạn và ùn tắc giao thông như: vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn; đi sai phần đường làn đường; không đội mũ bảo hiểm; dừng đỗ xe trái quy định; vi phạm hành lang ATGT; phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, không đăng kiểm, thiếu dụng cụ cứu sinh...; triển khai các biện pháp ngăn chặn đua xe trái phép trên các tuyến đường, nhất là các tuyến thuộc địa bàn thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp.
Cũng trong đợt này, các đơn vị, lực lượng sẽ tập trung vào công tác quản lý kinh doanh vận tải, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, tăng cường giám sát hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT.
Rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo ATGT tại các dự án công trình giao thông đang thi công, không để xẩy ra ùn tắc do thi công công trình thì việc khắc phục, sửa chữa những hư hỏng bất cập về hạ tầng giao thông trên tất cả mọi tuyến đường cũng đặt ra yêu cầu phải được chú trọng thực hiện như đảm bảo mặt đường êm thuận, bổ sung hệ thống cọc tiêu, biển báo, báo hiệu, phao tiêu, lưu ý các đèo dốc nguy hiểm và các đoạn đường có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và dịp khai giảng năm học mới 2019-2020.
Cùng với đó, ngành chức năng cũng đã xây dựng phương án vận chuyển khách khi có lượng người tăng cao tại các nhà ga, bến xe; tổ chức phân luồng giao thông và bố trí lực lượng điều tiết giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, tại khu vực có tổ chức lễ hội lớn và các khu du lịch.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Kiều Ân (Thực hiện)