Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, với tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự phối, kết hợp khá đồng bộ, với nhiều cách làm mới sáng tạo, phát huy tốt nguồn lực xã hội hóa, đến nay toàn tỉnh còn 13.455 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,52%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.
Tuy nhiên, nhiệm vụ công tác giảm nghèo bền vững còn rất nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Nguồn kinh phí phân bổ và các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện cho các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương chậm, do đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của tỉnh. Việc huy động nguồn lực trong dân để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Một bộ phận người dân chưa có ý thức vươn lên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa chủ động thoát nghèo. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở một số địa phương cơ sở chưa thật sự sâu rộng. Do nguồn lực hạn hẹp, chưa chủ động vốn để thực hiện các chính sách đặc thù của tỉnh. Một số địa phương còn nhiều lúng túng trong công tác thiết lập hồ sơ, đầu tư cơ sở hạ tầng theo Luật Đầu tư công...
Năm 2018, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; vận động, giáo dục nâng cao nhận thức bằng nhiều hình thức sinh động, tạo sự tham gia rộng rãi trong toàn xã hội; biểu dương các điển hình vượt khó làm giàu, các mô hình tiêu biểu trong hoạt động giảm nghèo của các địa phương. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các chính sách giảm nghèo; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo 1,5%/năm, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn đến năm 2020. Triển khai lồng ghép các nguồn lực của địa phương tham gia vào chương trình phù hợp với tình hình cụ thể. Tập trung vào các mô hình có tính khả thi, đảm bảo hộ nghèo, thoát nghèo bền vững và khả năng nhân rộng trên địa bàn. Cần đánh giá, rút kinh nghiệm và nhận biết những chính sách, mô hình phù hợp với địa phương để triển khai nhân rộng. Chú trọng công tác thi đua "Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau". Việc phân bổ nguồn vốn đảm bảo nguyên tắc quản lý vốn đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng theo quy định của chương trình. Tập trung hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất; hỗ trợ đời sống trên địa bàn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, vùng dân tộc thiểu số như: Hệ thống giao thông liên xã, nông thôn; hệ thống kênh mương nội đồng và các công trình thủy lợi, hạ tầng giáo dục, y tế, với sinh kế cho người nghèo... Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát với quy mô và nội dung cụ thể nhằm nắm bắt kết quả tác động hàng năm trong việc tổ chức giảm nghèo ở cơ sở để điều chỉnh chính sách cho phù hợp...
Nguyễn Kim