Nhiều trường hợp bị phạt khung cao nhất Theo thông tin từ Công an tỉnh, sau 14 ngày thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 108 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 800 triệu đồng, tạm giữ 108 phương tiện. Đáng chú ý là có 11 trường hợp bị phạt ở khung cao nhất.
Cụ thể như ngày 8/1, lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Gia Viễn kiểm tra, phát hiện trường hợp anh Đặng Hữu Thắng đã sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển ô tô tham gia giao thông. Qua kiểm tra, phát hiện trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/l khí thở và không có giấy phép lái xe.
Công an huyện đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt với mức 40 triệu đồng. Tại địa bàn thành phố Ninh Bình, lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố cũng đã xử phạt 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (vượt quá 0,4mg/l khí thở) với số tiền phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày theo quy định.
Theo đồng chí Lê Trường Thọ, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Gia Viễn: Việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn được lực lượng cảnh sát giao thông huyện Gia Viễn duy trì suốt thời gian qua. Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng như Nghị định 100 của Chính phủ chính thức có hiệu lực, công tác này đã được tăng cường và xử lý quyết liệt hơn.
Ghi nhận của phóng viên vào ngày 8/1/2020 tại địa bàn thành phố Ninh Bình và huyện Gia Viễn, tất cả các trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn đều nghiêm chỉnh chấp hành và hiểu khá rõ về Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Đồng thời, đại đa số người dân đều đồng tình với chủ trương xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm TTATGT nói chung và người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia nói riêng. Anh Nguyễn Mạnh Thắng (thị trấn Me, huyện Gia Viễn) cho biết: Mấy ngày qua, tôi đã nghe các phương tiện thông tin nói nhiều về việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn, trong đó mức phạt cao nhất lên tới 40 triệu đồng và tước bằng lái xe 23 tháng. Bản thân tôi hoàn toàn đồng tình với những quy định trên bởi nó có tác dụng răn đe để người tham gia giao thông cẩn trọng hơn, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, cá biệt vẫn còn có những trường hợp chống đối như trường hợp lái xe cố tình lùi xe né tránh chốt kiểm tra của cảnh sát giao thông trên địa bàn huyện Hoa Lư; hoặc có trường hợp lái xe cố tình kéo dài thời gian, không chấp hành hướng dẫn của cảnh sát giao thông trong quá trình kiểm tra nồng độ cồn.
Không có trường hợp ngoại lệ
Được biết, ngay từ khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, Giám đốc Công an tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị công an trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung trong Nghị định. Đồng thời, thực hiện tốt đợt cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết nguyên đán và Lễ hội Xuân 2020. Đại diện Công an tỉnh cho biết: Quan điểm của Công an tỉnh là thực hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định tại Nghị định 100, nhất là các vi phạm về nồng độ cồn, không có trường hợp "nương tay" hay ngoại lệ.
Vì vậy, yêu cầu các đơn vị công an trong tỉnh một mặt tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm Nghị định 100; mặt khác tăng cường bố trí linh hoạt các chốt tuần tra, kiểm soát giao thông, đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tập trung tại các tuyến giao thông chính, khu vực bến xe, kho bãi, quán bar, vũ trường, nhà hàng và nơi phức tạp về ANTT; huy động tối đa lực lượng, sử dụng có hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn; chủ động có biện pháp phòng ngừa, xử lý các đối tượng chống người thi hành công vụ, không chấp hành hiệu lệnh cảnh sát.
Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ uống rượu, bia trước, trong và thời gian nghỉ giữa giờ làm việc, không uống rượu bia say trong mọi trường hợp và điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia. Để kiểm tra thực tế việc chấp hành các nội quy, quy định của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ, Công an tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra đặc biệt do Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng đoàn.
Trong những ngày qua, Đoàn tới trực tiếp các đơn vị trực thuộc, kể cả cấp phường, xã để kiểm tra đột xuất việc sử dụng rượu, bia, nồng độ cồn đối với cán bộ, chiến sĩ; đồng thời kiểm tra việc thực hiện quy trình làm việc của các tổ tuần tra, kiểm soát giao thông tại tất cả các chốt đo nồng độ cồn; qua kiểm tra đã phát hiện một số cán bộ, chiến sĩ vi phạm và đã xử lý nghiêm.
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền và việc thực hiện nghiêm Nghị định 100 đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông. Theo thông tin từ Công an tỉnh, sau nửa tháng ra quân xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số lượng người vi phạm trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm, trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh không có trường hợp tai nạn giao thông nào do vi phạm nồng độ cồn gây ra.
Điều đó cho thấy, việc thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ bước đầu đã tạo được sức răn đe và chuyển biến tích cực về ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông. Đây là điều đáng mừng khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Đại diện Công an tỉnh cho biết thêm: Để duy trì kết quả này, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt. Đặc biệt, đang là đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2020, lực lượng cảnh sát giao thông trong tỉnh tiếp tục tăng cường quân số, tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm, tập trung kiểm tra mạnh vào buổi tối, các ngày nghỉ, ngày lễ và các tuyến đường có lưu lượng người tham gia giao thông đông.
Bài, ảnh: Kiều Ân