Thành phố Ninh Bình- tầm nhìn đến năm 2050 Đầu năm 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau 3 năm tích cực triển khai thực hiện với sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và các chuyên gia tư vấn Nhật Bản, đến ngày 28-7-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung này.
Theo đó, thành phố Ninh Bình mở rộng sẽ có diện tích tự nhiên là 210,52 km2, gấp hơn 4 lần hiện nay, bao gồm: Diện tích thành phố hiện tại và toàn bộ huyện Hoa Lư; một số xã của các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan, Yên Khánh; một phần xã Yên Sơn và phường Tân Bình của thành phố Tam Điệp.
Về quy mô dân số, thành phố Ninh Bình đến năm 2020 có khoảng 28,5 vạn người và đến năm 2030 có khoảng 40 vạn người. Không gian đô thị được phát triển theo mô hình đô thị đa tâm, gồm: Khu vực đô thị trung tâm và các khu vực đô thị phụ trợ.
Khu đô thị trung tâm với diện tích khoảng 5.331 ha, được chia làm ba phân khu: khu đô thị hiện hữu; khu đô thị mở rộng về phía Nam; khu đô thị mở rộng về phía Bắc.
Khu đô thị trung tâm được phát triển thành trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, giáo dục đào tạo chất lượng cao tỉnh Ninh Bình với dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 29,6 vạn người.
Khu vực Bái Đính gồm Khu đô thị Bái Đính; khu nông thôn Bái Đính; khu vực này quy hoạch thành khu du lịch tâm linh và khu đô thị đại học mới với tổng diện tích quy hoạch từ 1.330 - 1.460 ha và dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 2 vạn người; khu vực Quần thể danh thắng Tràng An gồm Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tràng An, Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, đây là vùng lõi di sản văn hóa - thiên nhiên có tổng diện tích quy hoạch hơn 700 ha và dân số dự kiến khoảng 1,58 vạn người vào năm 2030.
Khu vực rộng nhất là nông thôn với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.742 ha thuộc một phần các xã Trường Yên, Ninh Hòa, Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Ninh An, Ninh Vân, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phong, Ninh Phúc, Khánh Hòa, Khánh Phú, Yên Sơn, Tân Bình và toàn bộ Mai Sơn, xung quanh phía Đông Nam Quần thể danh thắng Tràng An.
Về tính chất, thành phố Ninh Bình là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh; đồng thời là trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc bộ; là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh.
Quy hoạch chung có ý nghĩa chiến lược đối với tỉnh Ninh Bình và là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề, động lực để thành phố đổi mới, phát triển hơn nữa.
Đó cũng là cơ sở pháp lý nhằm tăng cường công tác quản lý đô thị, đất đai, giao thông, xây dựng… của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh; là căn cứ để xác định việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành kinh tế, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố ngày càng hiện đại, văn minh...
Từng bước quy hoạch chi tiết các phân khu
Đồ án quy hoạch các phân khu phía Bắc do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia thực hiện. Ngày 14-4-2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 381/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án này với phạm vi nằm ở phía Bắc Trung tâm thành phố Ninh Bình, gồm các khu vực hiện thuộc thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, Gia Viễn.
Toàn bộ các phân khu phía Bắc có tổng diện tích khoảng 3.257,26 ha với sức dung nạp dân số khoảng 16,5-17 vạn người; được giới hạn bởi: Phía tây giáp sông Chanh, phía Bắc giáp sông Hoàng Long, phía Đông giáp sông Đáy và phía Nam giáp các đường Xuân Thành, Đào Duy Từ, Lương Văn Thăng của TP Ninh Bình.
Tính chất của khu vực này là một trong những khu phát triển chính của đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với đa dạng về loại hình công trình đô thị công cộng và đồng bộ về chất lượng hạ tầng; là khu vực đô thị có cảnh quan hấp dẫn về cư trú và du lịch, tạo điều kiện để phát triển kinh tế toàn tỉnh và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; là cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng và kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch.
Đồ án cũng được chia thành 4 phân khu với tính chất khác nhau. Phân khu 1-1A là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao du lịch và dịch vụ của tỉnh và đô thị Ninh Bình; là biểu tượng mới cho sự phát triển của đô thị Ninh Bình trong thời kỳ mới, được đầu tư hiện đại nhưng hài hòa với thiên nhiên, cảnh quan tự nhiên.
Phân khu 1-1-A: Quy mô 941,34 ha, gồm một phần thuộc địa giới hành chính các phường Ninh Khánh, phường Đông Thành, phường Tân Thành, xã Ninh Nhất của thành phố Ninh Bình và một phần thuộc xã Ninh Khang, xã Ninh Mỹ của huyện Hoa Lư.
Giới hạn cụ thể: Phía Đông giáp đường Phạm Hùng và sông Đáy; phía Tây giáp sông Chanh; phía Nam giáp đường Xuân Thành, đường Đào Duy Từ và đường Lương Văn Thăng (đường QL10); phía Bắc giáp đường Vạn Hạnh, đường Lưu Cơ và đường Trịnh Tú...
Phân khu 1-3A là cửa ngõ phía Bắc của đô thị Ninh Bình được thiết kế đồng bộ về hạ tầng và mỹ quan với mật độ xây dựng thấp, đảm nhiệm vai trò giữ không gian sinh thái; là khu vực kế thừa và phát huy cảnh quan cũng như nét đẹp văn hóa nông thôn truyền thống.
Phân khu 1-3-A: Quy mô 880,10 ha, gồm một phần thuộc địa giới hành chính các xã Ninh Giang, Ninh Hòa, Trường Yên và thị trấn Thiên Tôn của huyện Hoa Lư; một phần địa giới hành chính xã Gia Tân của huyện Gia Viễn (thôn Tùy Hối). Giới hạn cụ thể: Phía Đông giáp sông Đáy; phía Tây giáp đường tránh QL1A (đường ĐT477 kéo dài); phía Nam giáp QL38B; phía Bắc giáp sông Hoàng Long...
Phân khu 1-3B là một trong những cửa ngõ nối đô thị với Quần thể danh thắng Tràng An; là khu vực đô thị có chuỗi cảnh quan sơn-thủy đặc sắc, thuận lợi để phát triển ở mật độ trung bình, thấp nhằm hài hòa với thiên nhiên. Phân khu 1-3B: Quy mô 714,19 ha, gồm một phần thuộc địa giới hành chính thị trấn Thiên Tôn và các xã Ninh Mỹ, Ninh Hòa của huyện Hoa Lư; một phần địa giới hành chính xã Ninh Nhất và phường Ninh Khánh của thành phố Ninh Bình.
Giới hạn cụ thể: Phía Đông giáp đường Trần Hưng Đạo; phía Tây giáp sông Chanh; phía Nam giáp đường Vạn Hạnh và đường Trịnh Tú; phía Bắc giáp QL38B... Phân khu 1-3C là khu vực có lợi thế với mặt tiền giáp với sông, cảnh quan mặt nước lớn, gần trung tâm thành phố phù hợp cho sự phát triển không gian dịch vụ đô thị tổng hợp mật độ trung bình và cao. Phân khu 1-3C: quy mô 721,62 ha, gồm một phần thuộc địa giới hành chính phường Ninh Khánh, một phần thị trấn Thiên Tôn, xã Ninh Khang, một phần xã Ninh Giang và một phần xã Ninh Mỹ; giới hạn cụ thể: Đông giáp sông Đáy; Tây giáp QL1A cũ và đường Phạm Hùng; Nam giáp đường Vạn Hạnh và đường Lưu Cơ kéo đài; Bắc giáp QL38B...
Đó chỉ là một trong các quy hoạch phân khu đã được thực hiện. Được biết ngành xây dựng cũng đã triển khai lập quy hoạch các phân khu: Phía Nam, Đông Nam, khu vực chùa Bái Đính... và đang xin ý kiến của các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị.
Thực tiễn cho thấy, lập được quy hoạch đã khó, nhưng việc quản lý và thực hiện theo quy hoạch còn khó hơn nhiều. Do vậy, cần sự đồng thuận, vào cuộc của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.
Trước hết cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá; vận động, thuyết phục để làm sâu sắc thêm về nhận thức, hành động, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển thành phố Ninh Bình.
Giới thiệu, phổ biến công khai quy hoạch rộng rãi trong nhân dân, để nhân dân hiểu và tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện quy hoạch.
Xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện quy hoạch, ban hành Quy định quản lý xây dựng theo Đồ án quy hoạch; lập chương trình phát triển đô thị và triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với quy hoạch; ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc theo quy định. Về văn hóa, xã hội cần xây dựng các thiết chế văn hóa thiết yếu.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng phát triển đô thị. Xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như quản lý môi trường, quản lý đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản.
Tăng cường quản lý Nhà nước trong cấp phép xây dựng, nhất là kiểm tra sự tuân thủ các quy định của quy hoạch về kiến trúc và chất lượng công trình; cùng với đó là xây dựng hệ thống chính trị của thành phố vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Trường Sinh