Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030 qua 3 năm triển khai đã căn bản sắp xếp được quy mô, mạng lưới các cấp học ở các địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, để đảm bảo việc thực hiện Đề án giai đoạn tiếp theo có tính khả thi cao, các cấp, các ngành liên quan cần có sự điều chỉnh Đề án theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay tại các địa phương.
Kỳ II: Điều chỉnh để đề án mang tính bền vữngĐể triển khai Đề án, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án vào chỉ đạo thực hiện thông qua kế hoạch công tác lớn mỗi năm học, các đợt sơ kết học kỳ và tổng kết năm học. Từ đó đưa nhiệm vụ thực hiện Đề án gắn liền với việc quản lý, thực hiện nhiệm vụ chung của ngành Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, ngành đã hoàn thành việc chuyển đổi Trường THPT bán công Ninh Bình thành Trường THPT Ninh Bình - Bạc Liêu. Giải thể Trung tâm tin học và ngoại ngữ; Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề tỉnh để thành lập Trung tâm Tin học, Ngoại ngữ và hướng nghiệp tỉnh. Triển khai dự án đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư 396.514 triệu đồng, thời gian thực hiện 2016-2020, hiện dự án đang trong giai đoạn thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng. Làm việc với chúng tôi, ông Ngô Văn Thứ, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Có thể nói, việc quy hoạch lại mạng lưới giáo dục là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển hiện nay của tỉnh. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Đề án, còn nhiều nội dung thực hiện chậm hoặc chưa thể triển khai thực hiện. Điển hình như việc sáp nhập các trường THCS quy mô nhỏ, giải quyết việc quá tải tại các trường học... Đối với việc xây dựng trường chất lượng cao, hiện 8/8 huyện, thành phố đã lựa chọn được danh mục trường công lập mầm non, tiểu học và trung học cơ sở để chuẩn bị xây dựng mô hình trường chất lượng cao. Song các cấp học còn lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt là thiếu kinh phí đầu tư tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nâng cao chất lượng dạy và học.
Ông Ngô Văn Thứ cho biết: Đối với việc sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở các địa phương, giải pháp trước mắt có thể chỉ sáp nhập về tổ chức bộ máy, học sinh vẫn học tại hai trường cũ như trước khi sáp nhập để tạo sự ổn định cho học sinh và nhân dân, sau đó tùy điều kiện của các địa phương để từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường liên xã theo hướng xây mới hoặc xây dựng bổ sung cơ sở vật chất cho cơ sở hiện có để đảm bảo đáp ứng được quy mô mới.
Các địa phương căn cứ vào danh mục trường học các cấp đã được lựa chọn tích cực đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ, có giải pháp đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn và giáo dục toàn diện để từng bước xây dựng mô hình trường trường chất lượng cao các cấp học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời các cấp chính quyền địa phương hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, trong đó có đất xây mới và mở rộng trường học, bố trí kinh phí đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học để thực hiện các mục tiêu của Đề án, đặc biệt là giải quyết vấn đề quá tải số lớp/trường, số học sinh/lớp.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có các giải pháp về kinh phí để xây dựng bổ sung phòng học và bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học đáp ứng yêu cầu về quy mô trường, lớp, học sinh theo mục tiêu của Đề án, tránh tình trạng quá tải về số học sinh, đặc biệt ở một số trường tại thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp.
Để Đề án mang tính bền vững, ngành Giáo dục, chính quyền các địa phương và các trường học cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành xây dựng các kế hoạch với những nội dung công việc cụ thể để triển khai thực hiện. Ông Ngô Văn Thứ cũng nhấn mạnh: Đối với 2 nội dung quy mô học sinh/lớp và quy mô lớp/trường, theo đánh giá góc độ chuyên môn của ngành giáo dục sẽ khó thực hiện. Chính vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh Đề án theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay tại các địa phương nhằm đảm bảo tính bền vững trong quy hoạch tổng thể của tỉnh Ninh Bình.
Bảo Yến
Kỳ I: Khó khăn từ thực tế