Kỳ I: Khó khăn từ thực tế
Tình trạng quá tải ở đô thị
Những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa và việc dân số gia tăng tự nhiên nên số học sinh ở các cấp học trên địa bàn thành phố Ninh Bình tăng nhanh. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp thời nên hiện nay đa số trường học trên địa bàn lâm vào tình trạng quá tải.
Theo thống kê của ngành giáo dục thành phố Ninh Bình, hiện thành phố có trên 27.600 học sinh, được chia thành 663 nhóm lớp ở 42 trường thuộc 3 cấp học (Mầm non, Tiểu học, THCS), trong đó có 41 trường công lập, 1 trường mầm non tư thục và 63 cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Tuy vậy, với lượng học sinh khá đông, số trường, lớp trên vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu, buộc các nhà trường phải lựa chọn giải pháp "gọt chân cho vừa giày".
Ông Bùi Quang Vinh, Trưởng Phòng giáo dục thành phố Ninh Bình cho biết: nếu như cách đây 7-8 năm, tổng số học sinh bậc tiểu học của thành phố trên 6.000 em, thì nay con số này đã lên tới gần 11.000 em, nghĩa là tăng gần gấp đôi. Tương tự như vậy, số học sinh ở bậc mầm non cũng đang tăng theo cấp số nhân. Trung bình mỗi năm, thành phố tăng khoảng 500-600 học sinh. Sỹ số học sinh tăng nhanh kéo theo thiếu cơ sở vật chất trường lớp.
Khắc phục tình trạng quá tải, UBND thành phố Ninh Bình đang tiến hành đầu tư xây dựng thêm phòng học mới như Trường Tiểu học Quang Trung, Trường Tiểu học Đông Thành, Trường THCS Ninh Phúc…, song so với nhu cầu thực tế thì vẫn còn thiếu trên 20 phòng học nữa, đấy là chưa kể đến các phòng học chức năng.
Tình trạng quá tải quy mô về trường, lớp và số học sinh/lớp vượt quá quy định trong Đề án, không chỉ ở thành phố Ninh Bình mà xảy ra trên hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là cấp học mầm non. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đầu năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 5/8 huyện, thành phố như Yên Mô, Nho Quan, Kim Sơn, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình…đang có một số trường mầm non có quy mô số nhóm lớp và số trẻ/lớp vượt so với mục tiêu của Đề án như: Huyện Nho Quan có 7 trường vượt số trẻ/lớp; thành phố Ninh Bình có 12 trường vượt số trẻ/lớp, huyện Yên Mô có 2 trường vượt số nhóm lớp, 5 trường vượt số trẻ/lớp; huyện Kim Sơn có 6 trường vượt số trẻ/lớp; thành phố Tam Điệp có 4 trường vượt số nhóm lớp và số trẻ/lớp, 2 trường vượt số trẻ/lớp.
Đối với cấp học tiểu học, 2 thành phố Ninh Bình, Tam Điệp có một số trường có quy mô số lớp và số học sinh/lớp vượt so với mục tiêu của Đề án như thành phố Ninh Bình có 3 trường vượt số lớp và học sinh/lớp, 5 trường vượt số học sinh/lớp; thành phố Tam Điệp có 1 trường vượt số lớp, số học sinh/lớp, 1 trường vượt số học sinh/lớp.
Nguyên nhân tình trạng quá tải trên do vấn đề tăng dân số cơ học của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường tăng, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, trường, lớp học, biên chế cán bộ, giáo viên chưa thể đáp ứng kịp do nguồn lực đầu tư hạn chế.
Diện tích khuôn viên một số trường tại các thành phố chật hẹp nhưng không có điều kiện về kinh phí và quỹ đất để mở rộng. Đặc biệt, tại thành phố Ninh Bình đang gặp nhiều khó khăn do hầu hết các khu vực đông dân cư cần mở rộng hoặc xây trường mới thường rất khó trong việc bố trí quỹ đất lớn phục vụ xây dựng trường học.
Khó sáp nhập trường có quy mô nhỏ
Một trong những mục tiêu lớn của Đề án là sáp nhập các trường có quy mô nhỏ để tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có phục vụ công tác tổ chức dạy và học, ổn định trường lớp cũng như tập trung nguồn lực đầu tư hàng năm nhằm đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường. Mặt khác, tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường sáp nhập. Tuy nhiên, cùng với thực trạng quá tải ở các cấp học đang diễn ra ở các đô thị trong tỉnh thì việc sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở các khu vực nông thôn cũng đang là "nút thắt" trong quá trình thực hiện đề án.
Nho Quan là một trong những địa phương triển khai thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục sớm so với các địa phương khác trong tỉnh. Để thực hiện Đề án, từ năm 2014, UBND huyện Nho Quan đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND thực hiện Đề án. Trong quá trình thực hiện Đề án, Nho Quan cũng gặp một số vấn đề phát sinh. Nếu theo kế hoạch, huyện Nho Quan có 1 cặp trường quy mô dưới 5 lớp trong phạm vi sáp nhập của giai đoạn 2013-2016 đó là Trường THCS Sơn Thành có 4 lớp và Trường THCS Thanh Lạc có 6 lớp. Tuy nhiên, đến nay quy mô của 2 trường đều tăng, Trường THCS Sơn Thành có 7 lớp, Trường THCS Thanh Lạc có 8 lớp nên địa phương chưa tiến hành việc sáp nhập.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Theo số liệu thống kê năm 2013, toàn tỉnh có 3 cặp trường THCS quy mô dưới 5 lớp cần sáp nhập giai đoạn 2013-2016. Tuy nhiên, đến đầu năm học 2015-2016 có 2 cặp trường của huyện Nho Quan và Gia Viễn đã tăng số lớp nên chỉ còn 1 cặp trường có quy mô dưới 5 lớp của huyện Kim Sơn phải sáp nhập là Trường THCS Yên Mật và Trường THCS Kim Chính.
Đề án là thế nhưng thực tế việc sáp nhập gặp nhiều khó khăn nên đến nay các địa phương vẫn chưa tiến hành thực hiện theo kế hoạch. Nguyên nhân do tâm lý của nhân dân, cán bộ, giáo viên, học sinh ở các địa phương này còn nhiều băn khoăn, chưa muốn thay đổi. Các địa phương thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các trường sau sáp nhập.
Có thể thấy, qua 3 năm thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã bộc lộ một số khó khăn thực tế ở các địa phương. Thực trạng quy mô trường, lớp đã vượt quá quy định trong Đề án, điều này đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan cần nghiên cứu để chỉnh sửa một số quy định trong Đề án phù hợp hơn với thực tiễn.
Bảo Yến
Kỳ II: Điều chỉnh để đề án mang tính bền vững