Thông qua công cụ pháp lý hữu hiệu là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ quan đại diện chủ sở hữu ở các cấp sẽ tổ chức lại việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tránh gây lãng phí đất đai, kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất (đặc biệt là diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng).
Việc quy hoạch sử dụng đất được lập ở 3 cấp: quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện như trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đảm bảo tính khả thi và cụ thể hóa việc thực hiện Quy hoạch được thực hiện bằng Kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Đồng thời Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã quy định cụ thể các trường hợp được điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện và tính khả thi cao cần xem xét chỉnh sửa một số nội dung. Cụ thể tại khoản 1, Điều 60 quy định: "Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được phê duyệt" là chưa phù hợp và trùng ý, đề nghị sửa thành "phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp trên đã được phê duyệt.
Đồng thời, tại Điều 60 có hai khoản 6 với nội dung giống nhau là chưa phù hợp.
Hay để đảm bảo không gian cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, tại điểm b khoản 2, Điều 63 về nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia không nên xác định các chỉ tiêu sử dụng đất và phân bổ đối với đất phát triển hạ tầng (gồm đất giao thông, thủy lợi, cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, tôn giáo, chợ) mà chỉ nên xác định các chỉ tiêu và phân bổ nhóm đất gồm: đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp; đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn; đất có di tích lịch sử - văn hóa.
Thực tế hiện nay qua rà soát lại kết quả thực hiện Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, các chỉ tiêu trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng còn khá nhiều nhưng chỉ tiêu đất phát triển hạ tầng đã gần hết đến năm 2030, việc phân bổ như vậy không đồng bộ và khó khăn trong việc thực hiện của các địa phương.
TRẦN THỊ DIỆU LINH
(Phó Trưởng phòng Quy hoạch, Kế hoạch, Định Giá và Giao đất - Sở Tài nguyên và Môi trường)