Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 3-2007, cả nước có 362 trường ÐH, CÐ, trong đó có 150 trường đại học (bao gồm cả các trường thành viên của hai đại học quốc gia, Ðại học Thái Nguyên, Ðại học Huế và Ðại học Ðà Nẵng). Phần lớn các trường đại học đang tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và năng lực đào tạo của các trường đã được khai thác hầu như triệt để, khó có khả năng tiếp tục mở rộng quy mô tuyển sinh. Ðể đáp ứng nhu cầu của nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho CNH và HÐH, việc tiếp tục thành lập mới một số trường ÐH, CÐ là cần thiết.
Hiện nay đang có một số khó khăn trong việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường ÐH, CÐ giai đoạn 2006-2020. Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt các nguồn lực đầu tư, nhất là thiếu cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và diện tích đất xây dựng trường. Bên cạnh đó, hệ thống thể chế và chính sách vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ. Có thể lấy quy định về cơ chế hiện hành về giao quyền sử dụng đất để lập dự án đầu tư xây dựng trường làm thí dụ.
Theo quy định về quản lý đất đai, chính quyền địa phương chỉ giao quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư khi đã có quyết định thành lập trường, trong khi một trong các tiêu chí quan trọng đầu tiên để thành lập trường đòi hỏi phải có địa điểm xây dựng. Trường hợp tuyển dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý là một thí dụ tương tự. Nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tư nhân, không thể tuyển dụng và trả lương cho giảng viên, cán bộ quản lý cũng như bỏ tiền vào đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khi chưa có quyết định thành lập trường. Ngược lại, cán bộ giảng dạy sẽ không về trường làm việc khi chưa có trường. Ðấy là chưa kể đến việc vì thiếu các điều kiện tiêu chí thành lập trường, thời gian xem xét, quy trình giải quyết các thủ tục thành lập trường gặp khó khăn và kéo dài, thậm chí khó hơn cả việc xem xét cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài, làm không ít nhà đầu tư trong nước nản lòng.
Ðể việc thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả kinh tế - xã hội như mong muốn, cần sớm vượt qua những khó khăn như đã nêu. Giải pháp cơ bản cho vấn đề này, một mặt cần nhanh chóng đổi mới và cải tiến nội dung chương trình, quy trình và phương pháp đào tạo để sử dụng rộng rãi các phương pháp dạy và học tiên tiến trên thế giới hiện nay vào quản trị nhà trường. Mặt khác, rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; nhất là các thể chế, chính sách liên quan đến điều kiện, quy trình thành lập trường; tiêu chí bảo đảm chất lượng đào tạo; trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách và tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát và quản lý của Nhà nước; đổi mới quản lý và quản trị đại học; trong đó cần đặc biệt phát huy vai trò của xã hội dân sự. Có cơ chế xử lý đối với các trường sau ba đến năm năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, chuẩn điều kiện của một trường đại học, cao đẳng như cam kết của các nhà đầu tư.
Theo Nhandan