Tràng An là địa danh du lịch tổng hợp gồm nhiều di tích danh thắng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, như khu hang động Tràng An, khu Tam Cốc- Bích Động, Chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư… Liên kết giữa các di tích và danh thắng này là khu rừng đặc dụng Hoa Lư trên núi đá vôi, đất ngập nước và hệ thống sông, hồ, đầm với diện tích khoảng 12 nghìn ha. Như vậy, quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An là loại hình quy hoạch xây dựng chuyên ngành, trong đó yếu tố bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa đóng vai trò chủ đạo và quyết định đến giải pháp liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch và dân cư. Bên cạnh quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình đến nay đã quy hoạch 6 khu du lịch chính, đó là: Khu du lịch trung tâm thành phố Ninh Bình; Khu du lịch vườn quốc gia Cúc Phương, Kỳ Phú, hồ Đồng Chương; Khu du lịch Kênh Gà, Vân Trình, Vân Long, Địch Lộng; Khu du lịch phòng tuyến Tam Điệp- Biện Sơn; Khu du lịch hồ Yên Đồng, Yên Thắng, động Mã Tiên, cửa Thần Phù; Khu du lịch quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm và vùng ven biển Kim Sơn. Với các giá trị tài nguyên du lịch đã được khẳng định của mình, quần thể danh thắng Tràng An, nhìn nhận trong mối quan hệ phát triển với khu tâm linh- thắng cảnh chùa Bái Đính và khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, có thể phát triển được những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn tầm cỡ quốc gia và khu vực.
Về quan hệ giữa quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An với kế hoạch quản lý di sản: Quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An với thời hạn lập quy hoạch theo giai đoạn ngắn hạn đến năm 2020 và dài hạn đến năm 2030. Đối với quy hoạch quần thể danh thắng Tràng An, căn cứ vào phân vùng quản lý, bảo tồn di sản của kế hoạch quản lý di sản; khu di sản quần thể danh thắng Tràng An được phân thành các phân vùng cấm và hạn chế xây dựng (kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt) để định hướng phát triển không gian xây dựng theo nhiệm vụ đề ra và tuân thủ quy hoạch chung đô thị Ninh Bình được duyệt là:
Vùng cấm xây dựng: Bao gồm các khu vực cảnh quan thiên nhiên cần bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt (vùng 1của phân vùng quản lý), các khu vực di tích cần bảo vệ nghiêm ngặt (vùng 2 của phân vùng quản lý) và các khu vực bảo tồn đan xen (vùng 5 của phân vùng quản lý) diện tích 3.879 ha. Định hướng chính cho vùng này là vùng bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt, không có dân cư sinh sống, cấm xây dựng. Trong một số trường hợp đặc biệt, khi có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp bảo vệ và phát huy giá trị di tích (bậc leo núi, lối mòn, bến thuyền, thuyền, điểm dừng chân ngắm cảnh, chòi nghỉ, biển báo, chiếu sáng, công trình vệ sinh,…) việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của cấp có thẩm quyền và thiết kế phải được duyệt theo luật định. Không xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú và giải trí; không xây cất công trình nhà cửa, nghĩa địa, đào ao hồ, các công trình thủy lợi, chuồng trại chăn nuôi và các công trình phục vụ nhu cầu dân sinh khác; không cho phép các hoạt động bán hàng và dịch vụ trong khu vực này.Nghiêm cấm mọi hành động làm thay đổi hình dáng núi đá, phá hủy và làm thay đổi thảm thực vật trên đó; nghiêm cấm đục phá hang động, núi đá vôi có hang động làm ảnh hưởng đến những yếu tố gốc của hang động; nghiêm cấm san ủi, đào đất mặt bằng hang, làm ảnh hưởng đến tầng văn hóa, giá trị cơ bản của di sản; nghiêm cấm việc sử dụng hang động để làm nơi chăn thả gia súc hoặc dịch vụ, nghiêm cấm chặt phá rừng và săn bắt động vật. Nghiêm cấm việc đổ chất thải công nghiệp, nông nghiệp, chất thải sinh hoạt vào khu di sản.
Vùng hạn chế xây dựng cần kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt:các khu vực dành cho phát triển du lịch (vùng 3 của phân vùng quản lý), các khu vực làng xã có dân cư sinh sống và cảnh quan nông nghiệp xung quanh (vùng 4 của phân vùng quản lý). Là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, có dân cư sinh sống và có các hoạt động du lịch (không cho lưu trú) các hoạt động xây dựng, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo nhà ở được phép tiến hành, nhưng ở mức độ hạn chế và phải được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt để việc xây dựng không ảnh hưởng đến di sản. Đề ra các yêu cầu xây dựng và phát triển đối với khu dân cư; đối với khu vực dịch vụ, du lịch; đối với cảnh quan tự nhiên, cảnh quan nông nghiệp xung quanh.
Về Định hướng phát triển không gian vùng đệm: Chính là phạm vi bao quanh 4 phía khu di sản quần thể danh thắng Tràng An. Là vùng đệm, được phép xây dựng và cần kiểm soát nghiêm ngặt. Theo đó, khu vực Bái Đính (phía Tây) là khu du lịch tâm linh và khu đô thị đại học mới; Khu Trường Yên- Ninh Hòa (phía Bắc) là khu dân cư nông thôn kết hợp làm dịch vụ du lịch; Khu Ninh Hải- Ninh Thắng (phía Nam) là khu dân cư kết hợp làm dịch vụ, du lịch. Theo đó, định hướng phát triển không gian các khu dân cư nơi đây. Tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật sao cho không ảnh hưởng tới mỹ quan thiên nhiên, môi trường và hệ sinh thái khu vực. Tại đây, song song với việc gìn giữ không gian kiến trúc truyền thống, tiến hành xây dựng cảnh quan, xây dựng các công trình ẩm thực, cửa hàng bày bán đồ lưu niệm và dịch vụ du lịch. Phát triển loại hình lưu trú homestay (khu vực Bái Đính, khu vực Ninh Hòa, Trường Yên và khu vực Ninh Thắng -Ninh Hải) là nơi du khách có thể trải nghiệm đời sống nông thôn và tham gia các hoạt động nông nghiệp. Xây dựng các khu ở mới khu vực Ninh Hải, Ninh Thắng. Dọc đường tới bến thuyền Tam Cốc, cửa hàng lưu niệm, công trình công cộng -dịch vụ và nhà ở (kết hợp làm home stay) nhằm tăng cường chức năng du lịch và dịch vụ.
KTS Lê Anh Dũng