Tỷ lệ che phủ thấp Cây xanh có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển hiện nay của các đô thị. Cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng, làm giảm thiểu khí nhà kính, làm giảm phản xạ bức xạ mặt trời ra xung quanh, làm tăng tính thẩm mỹ cảnh quan cho các khu phố, tuyến đường.
Với định hướng phát triển nền kinh tế du lịch của tỉnh và đô thị Ninh Bình là trung tâm du lịch của vùng, thời gian qua thành phố Ninh Bình đã và đang thực hiện các dự án cải tạo chỉnh trang các tuyến đường đô thị, trồng lại hệ thống cây xanh đường phố, thực hiện lập quy hoạch các công viên, vườn hoa.
Tuy nhiên đánh giá một cách khách quan, quá trình triển khai các dự án thiếu các định hướng, quy hoạch tổng thể, chỉ dẫn. Việc trồng cây dọc hai bên của hầu hết các tuyến đường mang tính tự phát, cây xanh đa chủng loại, kích thước không đều, nhiều loài cây có cành nhánh giòn dễ gãy, lá rụng nhiều, rễ ăn nổi, không có trong danh mục cây trồng đô thị như: Hoa Sữa, Xoan, Trứng cá...
Không chỉ nhấp nhô về kích thước, hình dáng cây trồng, làm mất cảnh quan đô thị mà nhiều cây xanh còn có nguy cơ bị bật gốc, gãy đổ gây nguy hiểm cho người qua lại và các phương tiện tham gia giao thông.
Qua khảo sát nghiên cứu của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố Ninh Bình có gần 290 tuyến đường, trong đó mới có trên 40 tuyến đường đã trồng cây xanh với trên 9.600 cây xanh các loại. Tỷ lệ che phủ trên các tuyến đường rất thấp, chỉ đạt từ 0,01% đến 1,95%. Trong khi đó theo tiêu chuẩn của các nước có hệ thống cây xanh phát triển thì tỷ lệ che phủ trên các tuyến phố phải đạt khoảng 30%.
Bên cạnh đó, trong tổng số cây đã trồng có gần 60% là những cây mới trồng hoặc cây kém phát triển, chưa được chăm sóc tốt và chưa phát huy được tác dụng về mặt môi trường cũng như tính thẩm mỹ cảnh quan. Ngoài cây xanh đường phố, hệ thống cây xanh ven mặt nước, sông hồ và các công viên trên địa bàn thành phố Ninh Bình còn nhiều bất cập.
Đặc biệt là cây xanh ven mặt nước, sông hồ đang được phát triển tự nhiên, chưa được quan tâm đầu tư tạo nên các không gian công cộng phục vụ cộng đồng và tạo hình ảnh đặc trưng cho không gian đô thị Ninh Bình.
Xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị
Để phát triển hệ thống cây xanh đô thị, tỉnh ta đã giao cho Sở Xây dựng làm chủ đầu tư thực hiện Quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án quy hoạch nhằm mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng đô thị Ninh Bình và Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đại diện Công ty Cổ phần quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, đơn vị tư vấn Quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị Ninh Bình cho biết: Đồ án đã đưa ra các ý tưởng và giải pháp cụ thể cho quy hoạch cây xanh công viên, quảng trường đô thị, quy hoạch cây xanh đường phố, quy hoạch cây xanh ven mặt nước, quy hoạch cây xanh vườn hoa đơn vị ở.
Đặc biệt cây xanh đường phố được quy hoạch theo hướng tạo nên các hàng cây xanh cổ thụ có tầm nhìn hàng trăm năm để tạo nên khung không gian xanh cho đô thị Ninh Bình. Mỗi tuyến đường được trồng cùng chủng loại và kích thước cây trồng để tạo nên tính chất, đặc trưng của từng tuyến phố.
Tiêu chí chọn loài cây bóng mát cho đường phố cần đảm bảo nguyên tắc chọn cây phù hợp với quy luật tự nhiên cơ bản và các quy luật tự nhiên vùng địa lý của thảm thực vật rừng. Trong đó ưu tiên các loài cây bản địa như: Chò chỉ, Sấu, Đăng....
Cùng với đó là chọn thêm các loài cây có sức đề kháng mạnh, có khả năng thích ứng với điều kiện ô nhiễm môi trường đô thị, thích ứng tốt với những yếu tố bất lợi về thổ nhưỡng, không khí và tính kháng cao đối với các loại côn trùng, bệnh hại, có sức chụi đựng với gió, bão. Khi chọn cây trên các dãy phố đô thị mới ưu tiên trồng cây mọc nhanh kết hợp trồng thêm một lượng thích hợp cây mọc chậm có giá trị.
Ngoài ra, chú ý một số đặc điểm khi tiến hành chọn các loài cây đường phố: có tán rộng, hình khối rõ ràng, chiều cao tầng tán dày, lá thường xanh, độ kín tầng tán cao, lá rụng ít gây ô nhiễm môi trường; rễ cọc và rễ chìm phát triển sâu để chống gãy đổ, chống đội hỏng đường sá và hè phố....
Tại hội nghị nghe báo cáo Quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu cho rằng việc thực hiện quy hoạch cây xanh là rất cần thiết. Đồ án quy hoạch đã đề xuất các giải pháp quy hoạch và chi tiết kỹ thuật cây xanh đường phố để hướng tới một thành phố xanh, thành phố Du lịch với bản sắc riêng và thể hiện tính thẩm mỹ cao.
Các giải pháp đề xuất thể hiện tính khả thi cao, bám sát yêu cầu phát triển đô thị thành phố Ninh Bình đã được phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể sẵn có, các đơn vị, thành phố Ninh Bình có hướng chỉ đạo cụ thể việc phát triển hệ thống cây xanh phù hợp theo xu hướng phát triển hiện nay, đảm bảo đúng định hướng.
Tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng để thực hiện được quy hoạch cây xanh đô thị theo hướng phát triển bền vững cần có sự tham gia tích cực của các ngành, địa phương, trong đó cấp xã, phường, thôn, xóm, phố, tổ dân phố sẽ là hạt nhân tổ chức phong trào phát triển và chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị. Về nguồn lực đầu tư cần có hình thức xã hội hóa thực hiện quy hoạch.
Ngoài nguồn vốn cơ bản của Nhà nước đầu tư cho phát triển cây xanh đô thị, cần phải huy động đa dạng hóa nguồn vốn từ việc xã hội hóa, kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ, các nhà hảo tâm và tài trợ của các tổ chức quốc tế.
Có hình thức kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư công viên giải trí, xây dựng vườn ươm... Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân tự tổ chức trồng, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên cơ quan, nhà ở, trên đường phố và trong các khu công viên công cộng theo hình thức: trực tiếp giao giống, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật.
Đồng thời phát động phong trào thi đua "công sở xanh", "trường học xanh", biến việc trồng, chăm sóc cây xanh trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục.
Hồng Giang