Tại phiên thảo luận, đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, các đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Theo đó, các đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm vào báo cáo của Chính phủ nội dung nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, đồng thời Quốc hội phải giám sát chặt chẽ hơn nữa về hiệu quả sử dụng khai thác tài nguyên ngân sách của Nhà nước, nhằm khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên, đặc biệt là lãng phí nguồn nhân lực xã hội.
Bên cạnh đó, một số đại biểu dành sự quan tâm về vấn đề phát huy lợi thế từng vùng kinh tế trọng điểm, chuyển đổi và hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các đại biểu cho rằng: Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và qua báo cáo hàng năm của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, Việt Nam vẫn chưa phát huy được lợi thế và chưa có sự phân định rạch ròi để đề ra định hướng, giải pháp cho từng vùng nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý, tạo không gian thống nhất nhằm đẩy mạnh phát triển tại các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước.
Một số đại biểu đề nghị: Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện quy hoạch vùng để lấy quy hoạch vùng làm cơ sở thống nhất quản lý phát triển quy mô toàn nền kinh tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục diễn biến khó lường và khi nước ta đã và đang ký kết một loạt Hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới, đặc biệt khi chúng ta vừa kết thúc đàm phán Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao công tác dự báo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế đi đôi với cải cách tiền lương, nâng cao năng suất lao động nhằm chủ động ứng phó với các diễn biến sẽ xảy ra để các doanh nghiệp trong nước không bị thua trên sân nhà, tạo động lực mạnh mẽ để nền kinh tế phát triển bền vững.
Trong đó có đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải thống nhất nhận thức để có hành động thiết thực. Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng thực thi hiệu quả, thượng tôn pháp luật, khắc phục tình trạng nợ đọng hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu sớm thể chế hóa các quy định của Đảng thành chính sách pháp luật của Nhà nước như Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về giám sát phản biện xã hội góp ý xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và Pháp lệnh 34 của UBTV Quốc hội nâng lên thành luật...
Cũng trong ngày, các Bộ trưởng: Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ trưởng Bộ Y tế đã lần lượt phát biểu giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã giải trình về các vấn đề: nhà ở cho người có công; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tham gia và người dân mua nhà ở xã hội được vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi từ gói 30 nghìn tỷ; về công trình số 8B - Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) xây dựng trái phép...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã giải trình về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có việc sử dụng chất tạo nạc, sử dụng hóa chất.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Phải đấu tranh với chất cấm như chống ma túy. Sử dụng chất cấm là tội ác". Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chất cấm kháng sinh tồn dư được kiểm soát chặt chẽ khi nhà nhập khẩu phải báo cáo hóa đơn hợp đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, có thể do người chăn nuôi mua từ hiệu thuốc rồi chế biến cho vào thức ăn, chưa kể việc buôn lậu thuốc từ biên giới vào. Vì thương lái ép người dân, nếu họ mua với giá thành cao thì người dân phải cho thuốc tạo nạc vào. Đây là vấn đề cần phải quản lý chặt chẽ...
Mai Lan