Các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kinh tế - xã hội do Chính phủ trình Quốc hội và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.Tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ và đầy đủ hơn nữa nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém.Trong đó, chú trọng phân tích sâu các nguyên nhân về thể chế, chính sách, về tính kỷ luật, kỷ cương trong thực thi chính sách pháp luật để từ đó có những giải pháp thiết thực khắc phục triệt để hạn chế, yếu kém trong thời gian tới.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2014, nhiều đại biểu cho rằng, để kinh tế phát triển bền vững cần chuyển từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát mục tiêu và tạo điều kiền để doanh nghiệp vướng nợ nhưng có điều kiện làm ăn trả nợ được vay vốn để tiếp tục sản xuất.
Ngoài ra, Chính phủ cần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác lập và thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch. Theo đó, phải chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, có lộ trình rõ ràng, hợp lý, khả thi trong tổ chức lập, quản lý theo quy hoạch 3 vùng kinh tế trọng điểm phục vụ yêu cầu tái cơ cấu ngành đến từng địa phương; coi trọng quy hoạch kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế gắn với quy hoạch ngành trong từng địa phương và từng địa phương trong mối liên kết vùng.
Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đánh giá cao sự cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, của Chính phủ, đặc biệt là tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành. Với những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2014 - 2015, đại biểu cho rằng, trong 1 đến 2 năm tới, động lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế nước ta chưa rõ. Bởi lẽ kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng trì trệ, kì vọng về tăng trưởng do đổi mới cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng phải có thêm thời gian.
Vì vậy, cần thiết phải nâng mức bội chi ngân sách lên 5,3% và phát hành trái phiếu để tăng chi tiêu công nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Về điều hành gói kích thích kinh tế, đại biểu đề nghị nên cân nhắc liều lượng gói kích thích kinh tế trên tinh thần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành giai đoạn 2008 - 2010 cũng như theo dõi sát diễn biến của lạm phát và những biến động của vĩ mô. Đồng thời nên nghiên cứu có một gói hỗ trợ, kích thích tiêu dùng trong lĩnh vực xây dựng nhà ở nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa đến các lĩnh vực kinh tế khác.
Nhiều ý kiến đề nghị để tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần điều chỉnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ trong 2 năm 2014 và 2015 một tỷ lệ thích hợp cho nông nghiệp để xử lý dứt điểm các dự án thủy lợi ở vùng trồng lúa, vùng nuôi thủy sản, tránh tình trạng hiểu nghị quyết của Đảng về kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ là hệ thống đường giao thông như hiện nay.
Đề cập đến tình trạng quá tải ở bệnh viện công, sự xuống cấp nghiêm trọng về y đức, gây bức xúc xã hội, một số đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét lại cơ chế tài chính đầu tư trong lĩnh vực y tế theo hướng lấy người dân làm trung tâm; đồng thời có chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội lựa chọn cơ sở chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần sắp xếp các cơ sở đào tạo nghề hợp lý, sát với nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu lao động của doanh nghiệp, khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề để tránh lãng phí; tiếp tục quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng đã xuống cấp để đủ điều kiện chăm sóc tốt hơn những người có công với Tổ quốc…
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; Bộ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải Đinh La Thăng đã tham gia giải trình làm rõ một số vấn đề có liên quan.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật công chứng (sửa đổi) và Quy hoạch tổng thể về thủy điện.
Quốc Khang