Trả lời câu hỏi liên quan đến việc quy hoạch hệ thống báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, hiện nay Việt Nam có tới 199 báo in, 639 tạp chí và 67 đài phát thanh, truyền hình, với 17.000 phóng viên được cấp thẻ đang hoạt động. Các cơ quan báo chí đã có rất nhiều đóng góp cho đất nước, thực sự là những cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, của tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân, góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm nâng cao chất lượng của các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông đã xây dựng xong quy hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đề xuất với Quốc hội sửa Luật báo chí cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Theo đó, sẽ tiến hành sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo hướng báo in sẽ là một cơ quan có nhiều sản phẩm, đến năm 2020 các cơ quan báo chí phải tự hạch toán, nhà nước chỉ đặt hàng và hỗ trợ những ấn phẩm phục vụ vùng sâu, vùng xa và nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu; với phát thanh, truyền hình sẽ tổ chức lại theo hướng hiện đại, tự sản xuất tối thiếu 50% chương trình, hạn chế phát quá nhiều chương trình nước ngoài và báo điện tử sẽ trở thành loại hình chủ lực của truyền thông đa phương tiện trong tương lai.
Về quản lý sim rác, tin nhắn rác, Bộ đã ban hành Thông tư 04, Thông tư 14 với nhiều chế tài tăng cường xử phạt để giảm thiểu những sim trả trước hòa mạng sai quy định, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ không được nhắn tin quảng cáo, tin rác không mong muốn đến người tiêu dùng; đồng thời phối hợp với cơ quan công an tiến hành kiểm tra trên 29 nghìn điểm đăng ký thuê bao trả trước, thu hồi trên 28 nghìn sim vi phạm, thông báo cho 5,5 triệu thuê báo đăng ký lại theo quy định.
Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết,trong điều kiện hầu hết các thiết bị công nghệ ở nước ta đều nhập khẩu từ nước ngoài nên việc bảo đảm an ninh thông tin đang là một thách thức rất lớn. Theo thống kê ở Việt Nam có khoảng 2.600 máy chứa mã độc Botnet và 3 báo điện tử là Dân trí, Tuổi trẻ và Vietnamnet cũng vừa bị tấn công theo dạng từ chối dịch vụ. Nguyên nhân chính là do người sử dụng máy tính chưa đủ trình độ để quản lý chống nhiễm mã độc; mật khẩu đơn giản, dễ bị bẻ khóa; tải phần mềm miễn phí, trò chơi trên mạng có chứa sẵn mã độc…
Để phòng chống, Bộ đã ban hành Thông tư 27 quy định điều phối các hoạt động ứng cứu khẩn cấp và thành lập Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính. Tổ chức này đã liên thông và hợp tác với quốc tế, cùng với các doanh nghiệp, hiệp hội an ninh, an toàn mạng trong nước thường xuyên ứng cứu khẩn cấp cho máy tính của Việt Nam và cũng tham gia ứng cứu khẩn cấp máy tính của quốc tế.
Ngoài ra, Bộ còn xây dựng dự án Luật an toàn thông tin, đề án đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vưc an ninh mạng.
Về các giải pháp quản lý các trang mạng xã hội, Bộ trưởng khẳng định, hiện nay cùng với các báo điện tử hoạt động theo Luật báo chí còn có trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin nội bộ, trang thông tin điện tử chuyên ngành và hàng triệu Blog cá nhân.
Để tăng cường quản lý, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra những trang thông tin điện tử tổng hợp cũng như trang mạng xã hội được cấp phép, nếu vi phạm sẽ thu hồi giấy phép.
Với các trang blog cá nhân nếu dùng sever tại Việt Nam đều được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép và xử lý khi có sai phạm. Tuy nhiên với những người dùng blog đăng ký tại các sever từ nước ngoài thì vẫn còn là một thách thức lớn trong công tác quản lý.
Về chế độ cung cấp thông tin và quy chế người phát ngôn, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 25 ngày 4/5/2013, quy định rất rõ từ Chính phủ đến tất cả các bộ ngành và địa phương hàng tháng cung cấp thông tin báo chí về hoạt động của địa phương mình trên cổng thông tin điện tử và hàng tuần khi có những vấn đề cần thiết của cơ quan, địa phương, bộ, ngành thì sẽ được thông báo thông tin đó tại cuộc giao ban báo chí hàng tuần do Ban tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội nhà báo chủ trì.
Ba tháng 1 lần cho họp báo theo Quy định 25 và đột xuất những thông tin xảy ra liên quan đến nhiều người, ảnh hưởng đến xã hội thì phải thông tin kịp thời trong 1 ngày trước.
Bộ trưởng cũng đề nghị các cấp, các ngành khi phát hiện ra thông tin sai, người phát ngôn phải bác bỏ ngay trên các cơ quan thông tin truyền thông đại chúng của mình, tránh tình trạng đưa thông tin thiếu chính xác trên các trang mạng xã hội.
Trả lời câu hỏi về chất lượng xét xử của ngành tòa án gây nhiều vụ án oan sai, nhất là vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, trên bình diện chung, thực tế bất cứ ngành tư pháp của nước nào, kể cả nước có nền pháp luật tiên tiến cũng không tránh khỏi tình trạng oan sai. Tuy nhiên, việc để xảy ra oan sai, nhất là oan đối với người bị buộc tội mức án cao nhất 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được.
Để xảy ra oan sai, ép cung, nhục hình là trách nhiệm chung của toàn ngành công an, kiểm sát, tòa án. Sau khi điều tra làm rõ, nếu cán bộ nào vi phạm, dù công an, kiểm sát hay tòa án đều sẽ bị xử lý tùy theo mức độ: Kiểm điểm, xử lý vi phạm hành chính; xử lý theo luật công vụ; xử lý theo điều lệnh; nếu vi phạm pháp luật phải xử lý theo pháp luật; nếu có dấu hiệu xâm phạm hội đồng tư pháp thì phải được xem xét theo trách nhiệm đối với vi phạm hội đồng tư pháp.
Để nâng chất lượng xét xử, ngành Tòa án đã có chiến lược về công tác cán bộ đến 2020. Theo đó, sẽ tổ chức đào tạo, đạo tạo lại, tổ chức hội thảo hội nghị để rút kinh nghiệm, khuyến khích tự học, tự đào tạo, tổ chức cho cán bộ đi học trong nước và nước ngoài…
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tranh tụng tại phiên tòa cũng như làm tốt công tác thanh, kiểm tra trong nội bộ ngành, nhất là các vụ án có mức án cao.
Về mức án và hình thức xét xử đối với người vị thanh niên phạm tội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, đối tượng vị thành viên chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, dễ bị tổn thương khi tham gia vào quá trình tố tụng.
Vì vậy, tùy theo mức độ phạm tội mà luật pháp quy định mức chịu trách nhiệm hình sự và không áp dụng mức án cao nhất là chung thân, tử hình. Bên cạnh đó nếu xét xử lưu động dùng các vụ án này để tuyên truyền, răn đe thì cũng không phù hợp và sẽ ảnh tiêu cực đến tâm sinh lý của các em sau này.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Lưu Thị Huyền (đoàn Ninh Bình) về những vướng mắc khi tổ chức tòa án khu vực, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, việc tổ chức tòa án khu vực đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và các địa phương đều tán thành.
Về tổ chức thì tòa án sơ thẩm khu vực sẽ nằm trong Đảng bộ của tòa án cấp tỉnh để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; HĐND sẽ giám sát tòa án khu vực qua báo cáo của Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh và khi thấy cần thiết có thể trực tiếp tổ chức giám sát. Về công tác phối hợp thì cơ quan điều tra tiến hành bình thường còn Viện kiểm sát cũng sẽ được tổ chức theo khu vực để có thẩm quyền ngang với toàn án trong công tác truy tố.
Cũng trong phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Quốc Khang