Trả lời câu hỏi về an toàn nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, chỉ tiêu nợ công nước ta trên GDP thay đổi không nhiều qua các năm. Năm 2010 là 51,7%, 2011 là 50,1%, 2012 là 50.8% và 2013 là 53,4%, tỉ lệ này nằm trong ngưỡng cho phép là 65%. Riêng nợ Chính phủ hiện nay là 44%, thấp hơn chỉ tiêu 55% mà Quốc hội cho phép. Bộ cũng thường xuyên đánh giá danh mục nợ công không chỉ trên phương diện số tuyệt đối mà còn đánh giá tỷ trọng tương đối và các chỉ tiêu đánh giá an toàn khác, đồng thời đã báo cáo Thủ tướng giải pháp để cơ cấu lại nợ công. Trong quá trình điều hành, Bộ sẽ chủ động giảm dần bội chi, kiên quyết thu hồi các khoản nợ trước đây; thực hiện các giải pháp tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu, rà soát thực hiện phân kỳ đầu tư; quản lý tốt đồng tiền vay...
Về cách thức quản lý vốn Nhà nước trong đối tác công tư để tránh thất thoát, nhưng vẫn thu hút đối tác tham gia, Bộ đã tham gia ý kiến với Bộ KH-ĐT, lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán hợp đồng, tham gia thẩm tra dự án, hướng dẫn cụ thể về chi phí dự án, thẩm tra chỉ tiêu tài chính hợp đồng; phối hợp với Bộ KH-ĐT hướng dẫn thanh tra, thẩm tra các dự án. Bộ Tài chính cũng đã có quy định cụ thể chi phí dự án của cơ quan Nhà nước, hướng dẫn thanh toán hợp đồng; tăng cường kiểm soát thanh toán của Kho bạc Nhà nước.
Liên quan đến câu hỏi về quản lý giá xăng dầu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay giá xăng dầu trong nước được điều hành theo quy định tại Nghị định 84 với nguyên tắc cơ bản là giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường. Khi giá cơ sở tăng cao hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính, tránh gây cú sốc về giá cả, từ đó tránh tác động đến kinh tế vĩ mô, lạm phát.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, Bộ Tài chính tham gia phối hợp sửa Nghị định 84. Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nghe lại Nghị định 84 sửa đổi và Thủ tướng đã có kết luận. Bộ Tài chính sẽ cùng Bộ Công Thương chỉnh lại lần cuối, lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ để sớm ban hành Nghị định 84 sửa đổi, trong đó sẽ có một điểm mới quan trọng là quy định về rút ngắn chu kỳ đánh giá giá cơ sở và đảm bảo bám sát hơn diễn biến của thị trường.
Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến đổi mới công tác thi cử; giải pháp khắc phục tình trạng đào tạo xa rời thực tế; giáo dục đạo đức lối sống; đổi mới chương trình sách giáo khoa…
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc vì sao chưa đổi mới chương trình Bộ đã đổi mới thi cử, coi đây là khâu đột phá? Bộ trưởng cho biết, thi cử, dạy và học có quan hệ với nhau. Khi thiết kế chương trình cần có chương trình, nội dung, phương pháp, thi cử đồng bộ. Quá trình triển khai, có những thay đổi thi cử dẫn đến thay đổi dạy và học.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi Bộ đã có những thay đổi căn bản. Trước đây là kiểm tra học thuộc, nay là kiểm tra cách vận dụng. Từ một bài học, sang tổng hợp, từ kiến thức chính trị, sang kiến thức công dân... Học sinh, phụ huynh, thầy cô đã hình dung cần thay đổi như thế nào, chuyển từ việc dạy truyền thụ kiến thức sang dạy kỹ năng.
Trả lời câu hỏi tại sao Bộ lại quy định Ngoại ngữ là môn tự chọn trong khi học sinh Việt Nam đang rất thiếu kỹ năng về Ngoại ngữ. Bộ trưởng cho biết, Bộ đã tổ chức khảo sát trên cả nước và thấy cách dạy, học thi của Ngoại ngữ ở Việt Nam có rất nhiều điểm cần phải điều chỉnh. Hiện nay, Bộ đang tập trung đào tạo lại giáo viên, tiếp đó là sách giáo khoa, chương trình, cách dạy mới, sau đó sẽ lại đưa Ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc.
Về tình trạng 72.000 cử nhân thất nghiệp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, nguyên nhân chính là do trong một thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục trong đó có giáo dục đại học của nước ta chú trọng quy mô, số lượng mà chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng. Nội dung, chương trình, phương pháp dạy học thi cử của các trường đại học chủ yếu xuất phát từ khả năng hiện có của các nhà trường tổ chức đào tạo theo khả năng mình có chưa có hoạt động thiết thực để tổ chức hoạt động đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh đó, quy trình mở trường, cấp phép hoạt động cho các trường đại học, cao đẳng thiếu chặt chẽ, chưa chú trọng đến nhu cầu thực tế của xã hội, của địa phương, điều đó đã dẫn đến quy mô tuyển sinh hàng năm tăng lên trong khi chất lượng đào tạo còn thấp. Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ đã yêu cầu dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2015; dừng mở ngành đào tạo trong lĩnh vực kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng ở các khu vực thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Bộ đã phối hợp tích cực với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thẩm định thực tế các điều kiện thành lập trường một cách chặt chẽ, không để tình trạng trường mới thành lập không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đất đai, đội ngũ giảng viên được hoạt động đào tạo.
Tại phiên chất vấn các Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Y tế cũng tham gia giải trình một số vấn đề có liên quan.
Quốc Khang