Báo cáo nêu rõ, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, từ năm 2011 đến nay, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội cho ý kiến. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngày 2/1/2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Hoạt động này đã được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, nghiêm túc, thu hút được sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị.
Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở ý kiếncủa nhân dân, tiếp tục tiến hành thảo luận tại tổ và tại hội trường. Sau mỗi phiên họp, chất lượng của Dự thảo được nâng lên, nhiều ý kiến hợp lý của các đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, chỉnh lý và giải trình cụ thể.
Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội thông qua lần này gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Lời nói đầu đã được hoàn thiện phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc và những mốc lịch sử quan trọng, những thành quả cách mạng đã đạt được. Thể hiện ý chí, quyết tâm của nhân dân ta, thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyệt đại đa số ý kiến đều tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Dự thảo và cho rằng quy định như vậy là kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta.
Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các vị ý kiến đều tán thành với những nội dung quy định tại Chương II để khẳng định tầm quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Về kinh tế thị trường định hướng XHCN, đa số ý kiến cho rằng, nội hàm khái niệm "nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" đã được khẳng định trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng và đã được thể hiện cụ thể trong các nội dung quy định của Hiến pháp.
Phạm trù "kinh tế nhà nước" là phạm trù khái quát, bao gồm nhiều nguồn lực, nhiều nội dung, trong đó có sở hữu toàn dân. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như trong Dự thảo.
Tổ chức chính quyền địa phương, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, dự thảo trình Quốc hội thông qua quy định: "Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước CHXHCN Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định".
Việc tổ chức HĐND và UBND cụ thể ở từng đơn vị hành chính sẽ được quy định trong luật Tổ chức chính quyền địa phương trên cơ sở tổng kết việc thực hiện điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở một số địa phương…
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể thông qua Nghị quyết về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016và thảo luận về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quốc Khang