Mức đóng bảo hiểm y tế: tối đa 6% tiền lương
Theo nội dung dự án Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã được Quốc hội thông qua, mức đóng bảo hiểm được nâng lên và quy định tối đa là 6% (mức tiền lương, tiền công tháng của người lao động; mức tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động hoặc mức tiền lương tối thiểu).
Quy định mức tối đa như trên, Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh mức đóng trong phạm vi này để phù hợp với sự thay đổi về viện phí và tài chính y tế.
Luật BHYT cũng cho phép người tham giao bảo hiểm tự nguyện được hưởng quyền chữa bệnh bằng kỹ thuật cao. Tuy nhiên, quyền này chỉ phát sinh sau 180 ngày tính từ ngày đóng BHYT, tránh tình trạng người dân phát hiện bệnh nặng mới đi mua BHYT.
Tăng thuế bia hơi
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới được thông qua có những điểm đáng chú ý: Vẫn giữ quy định điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống thuộc đối tượng chịu thuế, tuy nhiên giảm thuế suất đối với điều hòa nhiệt độ xuống còn 10%, giảm 5% so với mức hiện hành; đưa dịch vụ karaoke vào đối tượng chịu thuế do nhận định hình thức dịch vụ này đã bị lợi dụng làm phát sinh tệ nạn xã hội; mặt hàng hàng mã tiếp tục chịu mức thuế suất 70% như hiện hành, dù trước đó có ý kiến đề nghị nâng lên 90%.
Đối với xe hơi, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) áp dụng mức thuế suất theo phân khối (dung tích xi lanh). Loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích từ 2.000 cm3 trở xuống thuế suất là 40%, trên 2.000cm3 đến 3.000cm3 thuế suất là 50%; trên 3.000cm3 thuế suất là 60%; đối với rượu, bia, áp dụng thuế suất theo lộ trình đối với rượu từ 20 độ trở lên, theo đó, mức thuế suất giảm từ 50% xuống còn 45% trong 3 năm đầu, cụ thể là: 45% từ 2010 đến 2012; từ 2013 trở đi là 50%.
Theo quy định hiện hành, thuế suất bia hơi và bia tươi từ năm 2006 - 2007 là 30%, từ năm 2008 là 40%. Luật Thuế TTĐB sửa đổi không phân biệt bia hơi, bia tươi với bia lon, bia chai mà quy định mức thuế suất chung đối với bia là 45% áp dụng từ năm 2010 đến hết 2012; từ năm 2013 trở đi thuế suất là 50%.
Theo giải thích của cơ quan chức năng, việc "đánh đồng" thuế suất của bia hơi và các mặt hàng bia khác để đảm bảo "không phân biệt đối xử", mặt khác để phù hợp với thông lệ quốc tế; Luật Thuế TTĐB sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2009. Riêng các quy định đối với mặt hàng rượu và bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010.
Mở rộng diện miễn, giảm án tồn đọng
Cũng với sự nhất trí cao, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Thi hành án dân sự. Trong đó, khẳng định chấp hành viên được trang bị công cụ hỗ trợ để đảm bảo tính hiệu quả cho công tác thi hành án dân sự.
Luật cũng có quy định mở rộng diện được miễn và giảm thi hành án theo điều kiện về tài sản của người phải thi hành án, về thời gian, giá trị khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước và kết quả thi hành án.
Theo đó, miễn thi hành các khoản có giá trị dưới 5 triệu đồng nếu đã quá 5 năm mà người phải thi hành án không còn tài sản để thi hành; tương tự, miễn thi hành các khoản có giá trị dưới 10 triệu đồng nếu đã quá thời hạn 10 năm. Ngoài ra, có thể xem xét giảm một phần nghĩa vụ theo thời gian nhất định, nếu không có điều kiện thi hành.
Ngay sau khi thông qua dự án Luật Thi hành án dân sự, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật này. Trong đó, cho phép tiến hành thí điểm xã hội hóa công tác thi hành án dân sự tại một số địa phương từ ngày Luật có hiệu lực đến ngày 1/7/2012.
Quy định về tội phạm môi trường phải thực thi được
Đó là đề nghị chung của các đại biểu QH tại phiên thảo luận sáng 14/11 về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự. Các đại biểu QH cũng đề nghị phải có chế tài mạnh tay xử lý người đứng đầu cơ sở sản xuất gây hại tới môi trường.
Từ năm 2000 đến năm 2005, lực lượng Công an đã phát hiện 26.540 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, xử lý hình sự 299 vụ, chuyển xử lý hành chính 25.314 vụ, phạt tiền 49.644 tỷ đồng và từ năm 2006-2007 phát hiện khoảng trên 750 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, qua đó cho thấy việc xử lý vi phạm môi trường về hình sự còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 1,1%, chủ yếu các tội phạm về quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, ô nhiễm nguồn nước, nhiều vi phạm pháp luật về môi trường chưa được xử lý hình sự như hành vi ô nhiễm đất, không khí đang truyền dịch bệnh, nhập khẩu công nghệ thiết bị phế thải.
Theo đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), việc sửa đổi bổ sung các tội danh về môi trường trong dự án luật là rất cần thiết. Theo BLHS hiện hành, có đến 8/10 tội quy định về dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính trong cấu thành tội phạm, điều đó có nghĩa người có hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường, nhưng vi phạm đó chưa bị xử lý hành chính thì dù họ có vi phạm nhiều lần, thậm chí nhiều lần gây hậu quả nghiêm trọng cũng không bị xử lý hình sự.
Theo quy định hiện hành, các tội phạm về môi trường khi một người vi phạm đã xử phạt hành chính, nhưng lần vi phạm sau nếu không gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng không thể khởi tố, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, luật sửa đổi vẫn chưa bảo đảm tính khả thi.
"Quy định như dự thảo về người phạm tội sẽ khó bảo đảm nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống các loại tội phạm này, bởi lẽ hiện nay nguồn gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh tức là các pháp nhân. Thực tế cho thấy người trực tiếp gây ô nhiễm chỉ là những người thực hiện, chủ mưu thường là người đứng đầu hoặc ban lãnh đạo cơ sở sản xuất, kinh doanh nên rất khó quy kết trách nhiệm cho dù điều luật có điều khoản bao hàm quy định về tội có tổ chức" - đại biểu phân tích.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống các loại tội phạm này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định truy cứu trách nhiệm hình sự với người đứng đầu cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam.
Tại buổi thảo luận, một số ý kiến tiếp tục đề nghị không nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ. Dự án luật này sẽ tiếp tục được chỉnh lý trình QH xem xét tại kỳ họp sau.
Nhiệm kỳ HĐND và UBND các cấp kéo dài thêm 2 năm Cuối chiều ngày 14/11, Quốc hội thông qua nghị quyết điều chỉnh nhiệm kỳ hoạt động 2004 - 2009 của HĐND và UBND các cấp. Theo đó, cho phép kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004 - 2009 của HĐND và UBND các cấp đến năm 2011 khi HĐND và UBND các cấp khóa mới được bầu ra. Riêng HĐND, UBND tại các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND và Chủ tịch UBND xã tại các xã thực hiện thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã kết thúc nhiệm kỳ hoạt động 2004 - 2009 kể từ ngày 25/4/2009.
Theo CAND Oline