Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP năm ngoái đạt 6,78%. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Các đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình với 6 nhóm giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, không nên dừng chỉ lại ở việc cắt giảm chi thường xuyên 10% trong năm nay mà Chính phủ nên tận dụng cơ hội này để tính toán đến những vấn đề căn cơ hơn, đó là thay đổi toàn bộ phương thức phân bổ và quản lý ngân sách sao cho hiệu quả và phù hợp. Bên cạnh đó, các giải pháp đưa ra cần đúng hướng và khi điều hành phải hết sức linh hoạt, cần cân nhắc cái gì cần vẫn phải chi tiêu, đặc biệt là chưa nên cắt giảm đối với các dự án xóa đói giảm nghèo, kiên cố hóa giao thông nông thôn, miền núi.
Về phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng từ tiền lãi dầu khí để tái đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh tất cả các ngành, các cấp đang tích cực giảm chi tiêu công thì việc đầu tư cho PVN cũng nên được cân nhắc kỹ, thay vì giải ngân một lần, nên chuyển sang đầu tư cho các dự án của Tập đoàn Dầu khí theo tiến độ để giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách. Bên cạnh vấn đề sử dụng vốn tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được nhiều ý kiến quan tâm đề nghị Chính phủ nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ.
Cũng trong buổi thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt, Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ trưởng Bộ công thương, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội; Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Quốc Khang