Theo báo của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác quy hoạch chung xây dựng KKT đến năm 2020 đã cơ bản hoàn thành. Nhiều KKT đang thu thu hút được nguồn đầu tư lớn trong và ngoài nước, khẳng định được vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH của địa phương, vùng và cả nước. Tuy nhiên, nhiều KKT quy hoạch chậm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, thu hút ít đầu tư, tỷ lệ sản xuất kinh doanh chưa cao, thậm chí có khu mới có khoảng 10% các dự án đi vào hoạt động. Mô hình quản lý KKT do UBND cấp tỉnh ủy quyền với nhiều chức năng quản lý nhà nước đã tạo nên khó khăn nhất định trong việc thực hiện các chức năng bảo vệ môi trường. Nhiều KKT có tỷ lệ dự án đã đi vào hoạt động trên 30% nhưng các công trình xử lý chất thải chưa hoàn thiện và đi vào vận hành.
Để khắc phục vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, cần quy định các KKT nhất thiết phải hoàn thành hệ thống xử lý chất thải mới được hoạt động, đồng thời mỗi KKT cần phải có quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, có quy trình tái sử dụng để tiết kiệm tài nguyên nước.
Về trách nhiệm của các Bộ, Ngành và các địa phương trong công tác bảo vệ môi trường tại các KKT, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, trong đó cần quy định vai trò đầu mối quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Bên cạnh đó, cần tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật liên quan đến quy hoạch, quản lý môi trường đặc thù đối với KKT theo hướng phát triển bền vững. Hoàn thiện các quy định cụ thể và hướng dẫn đánh giá thiệt hại và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra đối với môi trường, sức khỏe con người và nên ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép giám sát tối cao về môi trường tại các KKT.Theo báo cáo giám sát, cả nước ta có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.324 làng nghề được công nhận và 3.221 làng có nghề, tạo việc cho hơn 11 triệu lao động, thu hút 30% lực lượng lao động nông thôn. Việc phát triển kinh tế làng nghề đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen khu sinh hoạt nên khó kiểm soát, khó quy hoạch dẫn đến tình trạng ô nhiệm môi trường diễn ra rất phức tạp. Trong khi đó, các chính sách liên quan đến đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường áp dụng cho các làng nghề trên thực tế ít được triển khai. Công tác thanh tra kiểm tra thực hiện chưa thường xuyên, triệt để.
Thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu rằng, hiện nay, các khái niệm liên quan đến làng nghề, làng nghề truyền thống, làng có nghề, nghề trong làng… chưa thật sự khoa học, thống nhất, gây ra không ít khó khăn trong việc thống kê số lượng, phân loại làng nghề và xây dựng các chính sách bảo tồn, phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề, làng có nghề ở nước ta. Đề nghị, cần có quy định cụ thể, sát thực hơn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với làng nghề, làng có nghề gây ô nhiễm môi trường làm căn cứ phân loại xử lý.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại làng nghề. Nhiều đại biểu đồng ý về việc cần sắp xếp lại làng nghề nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không nên tập trung những làng nghề ô nhiễm vào một chỗ, vì làng nghề vốn gắn với truyền thống làng xã nếu dồn lại sẽ làm mất sự sáng tạo, sức sống của làng nghề.
Theo một số đại biểu, cần phải xây dựng lộ trình đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng đối với các làng nghề được công nhận, đặc biệt là đối với các làng nghề truyền thống, chuyển giao công nghệ tiên tiến và công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời phải có một Chương trình mục tiêu Quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
Tin, ảnh: Quốc Khang